Thứ Hai, 31 tháng 12, 2012

Cha mẹ am hiểu

Mẹ đã định viết ngay khi mẹ vừa học xong vì tính mẹ vốn mau quên mà, nhưng rồi tới tận bây giờ mới viết được. Hy vọng là vẫn còn nhớ phần lớn.

Mẹ đăng ký học CMAH ngay hôm mẹ đi nghe Kỷ luật không nước mắt, rồi sau đó về nhà mẹ cũng tự hỏi "Liệu có đáng để bỏ ra từng đó học phí cho 2 ngày học hay không?" nhưng khi học xong rồi thì mẹ thấy thật xứng đáng con ạ. Những kiến thức được cung cấp là rất nhiều và sẽ phải tốn nhiều thời gian để những kiến thức ày ăn nhập vào cuộc sống của mẹ và trở thành lối sống. Và nhiều kiến thức không chỉ là để bổ sung cho con, để cung cấp cho con mà còn cần cho mẹ nữa, để tự bồi dưỡng bản thân.

Dưới đây là phần tóm tắt từ bản thân mẹ, và bổ sung thêm ý, phần tóm tắt từ chị Ái Liên và các phụ huynh khác vì mẹ thấy các status của chị Ái Liên trên facebook rất ngắn gọn mà lại ý nghĩa, nên mẹ muốn đem về đây cất giữ cho mình.

-------------------

Cha mẹ thường hay đánh con khi con không ngoan, không nghe lời để rồi sau đó lại hối hận vì sao mình lại đánh con như thế. Nguyên nhân là khi nóng giận, cha mẹ đã bị cơn giận làm chủ, và không thể kiểm soát được hành động của mình. Do đó cần phải hạ hỏa trước khi cơn giận làm chủ mình.

Các cách để hạ hỏa:
- Làm mình đau để chuyển sự tập trung vào việc đau
- Thở sâu
- Uống nước liên tục như đang uống các cơn giận
- Đi chỗ khác
- Im lặng

Và quan trọng là phải luyện tập để các cách trên trở thành phản xạ: hãy nghĩ đến 1 trường hợp khi con làm bạn tức giận (khi con la hét, quấy khóc) và thực hiện 1 trong các cách trên để hạ hỏa. Sau đó áp dụng theo nguyên tắc chê để nói chuyện với con.

1. Nhận diện vấn đề: Cha mẹ cần xác định Con là điều gì trong suy nghĩ của cha mẹ và Kỳ vọng của cha mẹ là gì. (Đối với mẹ, con là niềm hạnh phúc và mẹ cũng chỉ mong con sống hạnh phúc. Nhưng rồi qua chia sẻ của chị Ái Liên, định nghĩa về hạnh phúc của con và của mẹ sẽ khác nhau. Sẽ có lúc mẹ cho rằng như thế này mới là hạnh phúc nhưng với con, hạnh phúc là như thế khác. Và mẹ đã thay đổi kỳ vọng của mình 1 chút, mong con tìm ra định nghĩa hạnh phúc cho bản thân và sống hạnh phúc theo cách của con).

Và khi đã hiểu kỳ vọng của mình, cha mẹ cần xây dựng chiến lược (what and when), kế hoạch thực hiện và hành động thực tế.

2. Quyền cơ bản của trẻ em:

Một số lưu ý:
  • Hãy nhớ người lớn có thể thông cảm cho trẻ em bằng quá khứ tuổi thơ của mình nhưng trẻ em  không thể hóa thành người lớn để thông cảm.
  • Dưới 18 tuổi những gì trẻ thể hiện chỉ là tiềm năng. Từ sau 18 tuổi là giai đoạn từ tiềm năng chuyển thành khả năng. Do đó đừng quá áp lực với trẻ trong 18 năm đầu đời. Đừng đòi hỏi kết quả ngay lập tức.
  • Hãy hỗ trợ bé để bé phát triển tối đa tiềm năng của mình trong 18 năm đầu đời.
  • Đừng để trẻ cảm thấy mình bị bỏ rơi, cảm thấy bị lừa dối. Cho bé biết càng sớm càng tốt các thay đổi trong gia đình (đổi chỗ ở, sinh thêm bé ..) để bé chuẩn bị tinh thần. Nếu bé đã có cảm giác đó, hãy tìm cách giải thích lại cho bé, xác nhận lại với bé là bé không bị bỏ rơi. Nếu không biết lý do, hãy ôm ấp, thể hiện tình yêu thương, nói chuyện với bé hàng đêm để mưa dầm thấm lâu, để bé cảm thấy bình an.
  • Không nói dối con và không dạy con nói dối.
Dưới đây là status của chị Ái Liên trên facebook ngày 30/12 về cảm giác bị bỏ rơi và vấn đề Self-sabotage:

"SELF-SABOTAGE - TỰ PHÁ MÌNH

Khi trẻ em có CẢM GIÁC BỊ BỎ RƠI dù là có hay không thật sự bị bỏ rơi, TIỀM THỨC của bé sẽ kết luận là THẾ GIỚI LÀ NƠI KHÔNG AN TOÀN và KHÔNG CÓ NƠI NƯƠNG TỰA.

Vì vậy, khi lớn lên, và mọi việc đã an toàn, yên ổn, gia đình hạnh phúc, công việc tốt đẹp thì TIỀM THỨC & Ý THỨC bắt đầu XUNG ĐỘT. Ý thức nói cuộc sống rất tốt đẹp, nhưng Tiềm thức thì vẫn còn kết luận củ về một thế giới bất an.

Rất không may là Tiềm thức mới là nơi quyết định hành vi và cá tính của con người, và thế là Tiềm thức thúc đẩy cá nhân này làm sao cho thế giới trở nên đúng với kết luận của nó, nghĩa là "hãy LÀM SAO thế giới của bạn ĐÚNG như kết luận của tiềm thức"

Người có vấn đề TỰ PHÁ MÌNH (SELF-SABOTAGE) thường hay bỏ công việc tốt, gây gỗ hay chia tay người yêu hoặc vợ chồng đang hạnh phúc, dọn đi nơi khác ở khi đang êm ấm . . . chỉ vì những lý do rất nhỏ nhặt và không chính đáng.

Vì vậy, hãy cẩn thận. ĐỪNG làm cho bé có cảm giác bị bỏ rơi.

TRÁNH KHÔNG làm những việc sau:
- TRỐN con đi công tác, đi làm, đi công chuyện . . .
- Đưa con vào mẫu giáo, trường mới, nhà người quen, nhà ông bà . . . TRỐN VỀ khi con đang chơi
- Cho con NGỦ rồi trốn đi hoặc về phòng mình mà KHÔNG NÓI VỚI BÉ TRƯỚC KHI NGỦ
- THAY ĐỔI nhà ở, trường học, người làm, người trông bé, cô thầy giáo, người thân ở chung nhà . . . thường xuyên
- LẤY ĐI ĐỒ VẬT BÉ YÊU THÍCH mà không có sự đồng ý hay giải thích, thuyết phục
- Khi NGƯỜI THÂN CHẾT, DỌN ĐI NƠI KHÁC . . . mà không có sự giải thích hay thăm viếng

HÃY TRÒ CHUYỆN, GIẢI THÍCH, ÂU YẾM, ÔM ẤP, CHƠI ĐÙA, VUỐT VE . . . sau những sự việc trên xảy ra, để bé hiểu rằng thế giới của bé luôn an toàn vì có vòng tay yêu thương và bảo vệ vô điều kiện của Bố Mẹ & người thân."


3. Cho con nhiệm màu:
Dưới đây là status của chị Ái Liên trên facebook ngày 25/12:

"Trẻ em dưới 6 tuổi thường không phân biệt được tiên giới và thực cảnh, và điều đó thật tuyệt vời. HÃY CHO CÁC EM ĐƯỢC SỐNG TRONG THẾ GIỚI THẦN TIÊN.

- Bé hỏi: Mẹ ơi, ông già Noel có thật không?
- Hãy trả lời: Có lẽ là có vì cả thế giới mong mỗi năm rất nhiều trẻ em thức dậy và tìm ra quà ông để trong tất treo trên lò sưỡi hằng năm.
- Bé hỏi: Thế Mẹ gặp ông già Noel bao giờ chưa?
- Hãy trả lời: Không ai gặp được ông ấy đâu. Vì ông chỉ xuất hiện khi tất cả mọi người ngủ say thôi con ạ. Vì vậy, con muốn ông đến vào đêm Noel, hãy ngủ thật say rồi khi con thức dậy sáng hôm sau, con sẽ nhận được quà của ông để vào tất trên lò sưỡi nhé."


Có thể sử dụng các nguyên tắc sau để tạo sự nhiệm màu: là điều xảy ra khi bé không nhìn thấy, không nghe thấy, không thức giấc hoặc khi bé không có nhà ... nhưng phải để lại dấu tích. 

4. Thiên đường tuổi thơ:
  • Mọi việc đều theo quy tắc sinh hoạt, đều có phần Biến (sự thích thú, phấn chấn, thách thức) và phần Định (an toàn, an tâm, ổn định). 
  • Xây dựng thời khóa biểu cho bé, giới hạn được/không (giới hạn về chỗ chơi/ giờ chơi, xin phép khi dùng đồ người khác ...).
  • Khi tiếp cận vấn đề mới, hãy tiếp cận càng chậm càng tốt, từ từ, dần dần, từ xa tới gần. 
5. Học cùng con:
  • Trách nhiệm của cha mẹ là làm cho con mình đừng ghét học bằng cách đừng tạo áp lực cho con. 
  • 8 loại thông minh cho trẻ (phần này mình sẽ làm 1 note riêng và viết kỹ hơn vào dịp khác).
6. Dạy con tự bảo vệ:
  • Từ chính mình: xây dựng thói quen chủ động, luôn suy nghĩ, điều chỉnh thói quen của mình; dạy con đừng làm nô lệ của tình cảm; dạy con vượt qua nỗi sợ hãi của bản thân. 
  • Từ người thân, người quen, người lạ: dạy bé nói cho cha mẹ ngay khi có người khác đụng vào những chỗ riêng tư trên cơ thể. Cha mẹ phải luôn bình tĩnh, an ủi, giúp bé bình tĩnh và không làm vấn đề nặng hơn. Cha mẹ phải luôn quan sát khi con chơi với người khác. Trẻ không đi lại chỗ vắng vẻ, luôn hỏi thăm con chuyện trong ngày của con (sau khi kể con nghe chuyện của mình để con không có cảm giác bị tra khảo). Trẻ dưới 10 tuổi: không trả lời đện thoại, không mở cửa cho khách.
  • Dạy con không chạm, không ngửi, không nếm những gì con không biết. Không chạm vào chất lỏng từ cơ thể người khác chảy ra.
7. Dạy con về tiền:
  • Ý nghĩa của tiền: Tiền là hệ quả, không bao giờ là mục đích. Tiền sinh ra để phục vụ mình. Tiền không xấu, chỉ có tiền đi với hành động xấu. 
  • Làm sao làm ra tiền: tích lũy, lao động, đầu tư. Tạo cơ hội cho bé bỏ ống heo, xài tiền tiết kiệm cho những nhu cầu chính đáng của bé.
  • Làm sao giữ và xài tiền: giúp bé xây dựng tiêu chí thu - chi, tinh thần tiết kiệm. 
Hãy dạy con giá trị của tiền, của sự tích lũy, đừng dạy con giá tiền. Khi bé thắc mắc, hãy giải thích cho bé bằng cách đơn giản nhất, mang tính chất giới thiệu. Chỉ thực hiện các điều trên khi bé sẵn sàng. Không bao giờ dùng tiền để thưởng con. Không trả tiền để con làm việc nhà vì việc nhà là trách nhiệm, chỉ trả tiền cho con khi con làm việc nhà vượt trách nhiệm của mình để phục vụ cho lý do chính đáng của con. 

Ngày thứ hai của chương trình thật ra là khóa "Cha mẹ hồn nhiên" cung cấp kiến thức cho cha mẹ làm sao để thích chơi với con, chơi với con luôn vui.

Phần này thì mình muốn dùng 1 note của chị Ái Liên là tổng hợp của  phụ huynh Phạm Thị Nhung đã tham gia chương trình, đăng trên facebook của chị Ái Liên ngày 26/12:


"Hãy cùng tận hưởng thời gian tuyệt vời khi chơi cùng con nào!

Đối với người lớn, ăn- uống- ngủ- làm việc- nghỉ ngơi là nghiêm túc thì đối với trẻ em, CHƠI ĐÙA là NGHIÊM TÚC.
Vì vậy, với trẻ em:
- Giờ nào cũng là giờ chơi.
- Chỗ nào cũng là chỗ chơi.
- Cái gì cũng là đồ chơi.
- Ai cũng là bạn chơi.

Mục đích chính của chơi đùa là: VUI, ẩn sau đó mới là "học". Vì vậy, khi chơi với con, chúng ta hãy chơi bằng 5 giác quan (âm thanh như la hét, ố, á, úi, ai dà nóng quá, cha cha lạnh quá...)

Khi dạy con, chúng ta phải dạy đúng, vì vậy, nếu có gì mình chưa chắc chắn có đúng ko thì đừng dạy vội, hãy nói với con rằng, cái này mẹ/ bố chưa biết rõ, để bố/ mẹ tìm hiểu rồi sẽ cho con biết sau nhé.

Còn khi chơi với con, nếu con có nói gì sai, bố mẹ đừng chỉnh sửa gì cả, chỉ cười thôi. Tại sao lại thế? Tại vì: nếu chúng ta chỉnh sửa sai sót của con ngay lập tức, là chúng ta đặt mục đích học lên trên mục đích chơi vui của con, con sẽ cảm thấy mấy hứng. Cứ nhiều lần như thế, con trẻ sẽ dần mất đi sự tự tin, tự nhiên, sẽ băn khoăn ko biết mình chơi thế có đúng ko? mình nói thế có đúng ko?...

Không chỉnh sửa khi con chơi, ko có nghĩa là con sai mình để mặc con. Mình sẽ ko trực tiếp chỉ cho con chỗ sai mà là gián tiếp giúp con nhận ra chỗ sai của mình và con sẽ tự sửa.

Ví dụ:
1) Có 5 anh em siêu nhân, con đếm 1, 2, 3 ,4, 5 nhưng khi hỏi con có mấy chú siêu nhân, con lại nói là 3 thì hãy đừng chỉnh con là "có 5 chú chứ". Thay vì nói như vậy, mình có thể nói với con là: ồ, con chỉ cần 3 chú siêu nhân thôi àh, vậy con lấy 3 chú, còn bố/ mẹ lấy 2 chú nhé. Rồi đếm lại 1, 2, 3, 4, 5 nè, của con 3 chú nè 1, 2, 3, còn của bố/ mẹ 2 chú (1, 2). Như vậy, chúng ta ko chỉ ra rằng con đã sai, mà là mình đang dạy con 3 + 2 = 5.

2) Khi con đã biết phân biệt màu sắc rồi, nếu con cầm 1 chú siêu nhân màu xanh mà nói là mầu trắng. Bố/ mẹ cũng ko nên sửa lại là "màu xanh chứ con" mà chỉ cười thôi, rồi đưa chú siêu nhân màu trắng ra cho con và hỏi con chú này mầu gì. Lúc đó, con sẽ tự nhận ra chú này màu trắng và chú kia màu xanh...

3) Khi con có đồ chơi mới, bố mẹ đừng vội hướng dẫn con cách chơi. Hãy để con tự mình khám phá đồ chơi đó và cho con tự chơi theo trí tưởng tượng của con. VD: Bộ đồ chơi cá ngựa ko phải chỉ có cách chơi bình thường như mình vẫn hay chơi. Đối với trẻ con, con có thể tưởng tượng ra nhiều thứ khác và chơi theo cách của con, hãy để cho trẻ được tự do tưởng tượng và mơ mộng. TƯỞNG TƯỢNG VÀ MƠ MỘNG là cái NÔI của các phát minh vĩ đại.

Chỉ khi con mầy mò mãi mà chưa biết cách chơi, con cần bố mẹ giúp, thì bố mẹ chỉ hướng dẫn con thôi, rồi hoặc để con tự chơi hoặc mình chơi cùng con. Nếu thấy con làm sai thì cũng đừng nhắc nhở gì cả. VD như trò chơi ghép tranh, mình chỉ hướng dẫn con cách ghép (giúp con nhận biết miếng ghép nào ở vòng ngoài, ghép từ ngoài vào trong), sau đó cứ nhìn con chơi hoặc bố mẹ làm việc khác, kệ cho con chơi một mình rồi thỉnh thoảng ngó xem con ghép đc chưa, nếu ghép đc 1 vài miếng ghép thì lại khích lệ con "ôi, con giỏi thế, con ghép đc mấy miếng rồi nè, con ghép tiếp đi nhé, khi nào xong thì gọi bố/ mẹ nhé, Dzê!". Nhiều khi bố mẹ hay sốt ruột, thấy con ghép một miếng ghép vào sai chỗ là lại bảo con xoay lại đi hoặc con ghép miếng khác đi... như vậy, con sẽ trở thành con rối trong tay bố mẹ, chơi theo sự chỉ đạo của bố mẹ thì còn vui được ko?

 4) Khi chơi/ đọc truyện cho con, bố mẹ hãy ko ngừng hỏi con các câu hỏi mở (5W- 1H)
What, When, Who, Why, Where & How.
Hãy khuyến khích con hỏi bố mẹ để khám phá thế giới và nhớ rằng: THERE IS NO STUPID QUESTION (Không có câu hỏi nào là ngớ ngẩn).
Nếu câu hỏi của con là câu hỏi mới, bố mẹ sẽ trả lời thật chi tiết, đầy đủ nhất có thể để giảng kiến thức cho con, với những câu hỏi mà bố mẹ nghĩ con có thể tự trả lời đc, thì bố mẹ sẽ hỏi lại con, dẫn dắt con tự đưa ra câu trả lời.

5) Cách đọc truyện/ kể chuyện C-A-R-E:
Combine: tổng hợp (sau khi đọc xong, bố mẹ hỏi lại con xem trong truyện có bao nhiêu con vật/ người,... (có thể dùng câu hỏi mớ 5W- 1H).
Act: Diễn đạt (bố mẹ nên đọc/ kể truyện với giọng đọc thật ly kỳ, cuốn hút và còn có thể diễn đạt bằng hành động, sử dụng cả ngôn ngữ cơ thể để tăng phần hứng thú, hấp dẫn cho con)
Role play: Đóng vai (bố mẹ nên hỏi con để con tự phân vai cho con và cho bố mẹ).
Expand: Mở rộng (sau khi đọc xong truyện, bố mẹ có thể hỏi con rằng mình có thể thay các nhân vật trong truyện thành các con vật/ ng khác... để giúp con động não và tư duy ra khỏi khuôn khổ của câu truyện vừa rồi. Cái đó người ta gọi là "Thinking outside of the box".
Trên đây là 1 vài chia sẻ của mình sau khi lĩnh hội được 1 vài khóa học và đọc sách.
Chúc các bố mẹ và các con có những giây phút vui vẻ, thoải mái và bổ ích qua các trò chơi. Dzeee!"

Ngoài những điều như trên thì trong chương trình này chị Ái Liên cũng nhắc đến 1 số nội dung khác như:
1. Gieo mầm tư duy cho bé bằng cách dạy bé khả năng quan sát, nhận xét, phân tích và tổng hợp. 

  • Quan sát là có sao nói vậy, không bao gồm những ý kiến có được do kinh nghiệm, đánh giá và kiến thức cá nhân, cảm xúc riêng.
  •  Nhận xét trên cơ sở đặc điểm của đối tượng, điểm giống nhau, khác nhau, sự tương phản, tương đồng. 
  • Phân tích: theo hai hướng: sâu (đến từng chi tiết nhỏ của đối tượng), rộng (phân tích các sự việc xung quanh liên quan đến đối tượng).
    Phân tích = Quan sát + đánh giá + kinh nghiệm + cảm xúc + ...
Các phương pháp phân tích bao gồm: 5W1H, sơ đồ tư duy, 6 chiếc nón tư duy. Các phương pháp này có thể được giới thiệu với bé thông qua hình thức trò chơi trong gia đình.

2. Kỹ năng đọc nhanh: đọc lướt và dừng lại ở những chữ quan trọng, xem mục lục đoán ý chính, đọc theo chiều dọc của sách.

3. Các cách giáo dục truyền thống:
- Luôn tin tưởng con
- Không chê bai trực tiếp, tiếp cách nói gián tiếp để nhắc nhở con.
- Kể những tấm gương gần gũi trong gia đình thay vì gương của người xa lạ.
- Luôn có những món quà nhỏ cho con khi đi xa về.
- Cố gắng làm nhiều việc cùng con.
- Chia sẻ, thảo luận về những việc xung quanh, về những cuốn sách, bộ phim, sự kiện xã hội với con.
- Tạo cơ hội cho con làm ra tiền với lý do chính đáng, không hỏi con dùng tiền làm gì, chỉ hỏi con cách thu/chi và góp ý kiến.
- Hãy đưa ra đề tài để cả nhà cùng thảo luận hàng tuần, đi kèm với phần thưởng.
- Trò chơi High and low: kể lại chuyện vui và buồn nhất trong ngày và mỗi người sẽ có 1 câu hỏi.
- Trò chơi thức dậy: Dưới đây là status của chị Ái Liên ngày 16/12 như sau:

"Trò chơi THỨC DẬY giúp cho trẻ bắt đầu ngày mới hạnh phúc vui tươi. Công thức là CON/CÁI GÌ (là cha mẹ) CẮP/ÔM CÁI/CON GÌ (đứa trẻ con) ĐI/BAY CHỖ KHÁC

Ví dụ: Con quạ cắp quả trứng, Con diều hâu cắp con gà, con nhện ôm cái trứng bò ra khỏi giường, Trực thăng nâng lính dù ra khỏi giường ."

-----------------
Trên đây chỉ là ghi lại với mục đích cá nhân là lưu giữ, lâu lâu đọc lại và mở ra khi cần. Mình vẫn khuyến khích các bạn (nếu có tình cờ ghé ngang qua blog của mình) tham dự trực tiếp khóa học của chị Ái Liên, vì được chia sẻ trực tiếp các nội dung trên, các câu chuyện khác của chị Ái Liên và các phụ huynh khác, đặc biệt là được "Cháy cùng con". :D

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét