Thứ Năm, 31 tháng 10, 2013

Chơi với con - Chữ A và quả táo

Một số trò chơi của Vi về chữ A và quả táo. Tất cả chỉ là vui.

1. Dán giấy màu thành hình quả táo.

Vi cũng khá thích, nhưng hay chấm keo dán ngược mặt giấy. 


2.Vẽ chữ A nha.


3. Do a dot:

Trò này Vi làm mẹ ngạc nhiên vì gần như là đúng hết, sản phẩm rất đẹp, mẹ đang dán trong phòng Vi nè.



4. Xỏ dây quả táo:


Và tất nhiên là trong tuần đó, Vi còn được ăn táo thật nữa.

Chơi với con - 24 tháng

Một số trò chơi của con trong thời gian qua.

1. Tưới cây, tắm cho chim cánh cụt :D

Mẹ pha shaving cream vào các chén, sau đó pha màu xanh, đỏ. Vi chỉ tham gia 1 tí, sau đó thì pha shaving cream vào nước, và thích tưới cây hơn.



2. Chơi màu nước:

Mẹ dùng lõi giấy vệ sinh làm cọ, cho con vẽ thành các vòng tròn, rồi sau đó vẽ lên cả lõi giấy vệ sinh luôn. Nhưng 1 hồi sau thì con lại đổ màu qua lại tạo thành 1 dĩa màu nâu nâu đen đen.


Rồi mẹ dùng cookies cutter để con vẽ hình


Rồi sau đó chán, con chuyển qua vẽ bằng tay luôn.


3. Tìm hiểu động vật biển:


Hổng hiểu sao bé lại sợ con cua và con cá đuối nên trò này cũng chơi được 2 lần rồi thôi.

3. Prewriting practice:

Mẹ giới thiệu cho vui nhưng Vi rõ ràng là chưa hứng thú gì.



Đường nào thẳng đẹp tất nhiên là do mẹ vẽ :D

4. Gắn peg theo hình có sẵn:

Vi cũng thích trò này, nhưng chủ yếu là thích gắn rồi lật mặt sau tìm cách gỡ ra, chứ chưa thể làm thành hình. Mẹ cũng chơi với Vi nhân tiện giới thiệu số lượng, hình tròn, hình tam giác, màu sắc ...


5. Do a dot:

Trò này con đã chơi khá hơn trước, biết chấm chấm vào các hình tròn.






6. Matching:

Tìm các cây thông có hoa văn giống nhau, cũng khá tốt, gần như là đúng hết.


7. Giới thiệu về số lượng:

Đây là 1 trong những cách mẹ giới thiệu số lượng cho con.


8. Chơi đất sét bằng bột:



Tấm này thấy dáng ngồi cũng dễ thương :)

9. Câu "cá":

Con đã quen với các con cá gỗ, mẹ đổi qua cho câu hình ảnh. Con câu tới cái nào mẹ đọc tên cái đó, hoặc mẹ đọc tên để con câu theo.


10. Nấu bếp:


11. Chơi với pom pom:

Con chơi còn mẹ thì giới thiệu màu sắc và cổ vũ con đặt đúng vào vị trí.


12. Tập dùng kéo:

Vi rất thích và đòi chơi 3 ngày liên tục, giờ thì đã khá thành thạo.


Thứ Bảy, 21 tháng 9, 2013

Trung thu của con

Mẹ đã gián đoạn blog lâu quá, thật ra trong hơn tháng qua có rất nhiều điều hay cần lưu lại, nhưng cứ bận, rồi qua, rồi muốn viết cái mới thì cứ muốn phải viết bù cái cũ trước để đi theo mạch thời gian, cứ thế rồi khất mãi đến 1 lúc thì khất nhiều quá, trả không kịp nữa nên quyết định viết cái mới cho kịp tình hình thực tế, rồi lúc nào tiện sẽ update những điều đã lỡ.

Trung thu năm nay công ty mẹ không tổ chức văn nghệ nữa, trời thì mưa suốt nên chẳng thấy trăng đâu cả. Coi như chẳng có trung thu gì. Vậy mà hôm nay cả nhà mình lại được tham dự tiệc trung thu rất vui với các cô chú, các bạn.


Bảng trang trí và trái cây đây, bánh kem là mừng sinh nhật bạn Ken nhà cô Vân Anh đấy!


Cả nhà tập trung để chuẩn bị khai mạc và xem ảo thuật. Lúc này mới đến Vi vẫn còn lạ nên chỉ ngồi với mẹ thôi, chưa chịu nói chuyện hay chơi gì cả, đến cả lấy đồ chơi cũng phải rủ mẹ đi cùng.


Bác ảo thuật gia nè, lúc biểu diễn ảo thuật thì con sợ, khóc, thế là mẹ phải ẵm ra xa, nhưng con cũng vẫn sợ, lâu lâu có nghía 1 tí nhưng vẫn ôm chặt lấy mẹ.

Bữa nay Vi ăn cũng khá, ăn hết 1 chén cháo, ăn bánh su kem, kẹo, nhãn, xoài ... và cả bánh kem nữa. Ăn rất tốt luôn. Phải đến 2/3 thời gian thì con mới thấy thoải mái hơn, tự  mình đi vòng vòng và kiếm đồ chơi, nhưng vẫn chưa chơi chung với bạn nào, chủ yếu là tự chơi 1 mình.


Đây là hình cuối buổi tiệc. Tất cả mọi người đều có 1 bữa tiệc rất vui, rất ấm cúng, còn các con cũng có 1 trải nghiệm thật đáng quý.

Dù không có bánh trung thu, lồng đèn hay trăng sao nhưng trung thu năm nay thiệt là tuyệt vời.

Hôn con!

Thứ Năm, 12 tháng 9, 2013

Một cây kẹo đáng giá bao nhiêu?

 Mình đọc bài này thất rất thích, vì nó vừa gần gũi lại thực tế. Bản thân mình hồi nhỏ tới nhà bạn chơi cũng cầm đồ về, thấy thích nên cầm thôi chứ không hiểu ăn cắp/ăn trộm gì. Giờ đọc bài này thấy những việc này xảy ra như cơm bữa mà có khi mình cũng xử trí không thỏa đáng.


 “Bé lấy đồ người khác là rất bình thường!”
Với bố mẹ, vất vả kiếm tiền là vì ai- tất nhiên là vì bé rồi, nhưng bé có hiểu điều đó không? Bé có biết bé giàu như thế nào không? Thưa không, bé là một người vô sản. Khái niệm sở hữu của bé rất đơn giản: cái gì trong tầm mắt, tầm tay bé là của bé. Sử dụng như thế nào, định đoạt nó ra sao là quyền của bé. Chính vì vậy, việc bé mang đồ của người khác về nhà là việc rất bình thường. Bé chưa có khái niệm thế nào là ăn cắp hay ăn trộm- đó là khái niệm của người lớn, còn với bé đơn giản chỉ là “của mình thì mình mang về thôi”.
Khoảng trước 2 tuổi, bé chưa hiểu về luật nhân quả, chưa hiểu thế nào là của mình, thế nào là của bạn, bố mẹ không nên cố giằng bằng được đồ trong tay con để trả cho chủ của nó, cũng đừng quát mắng hay thuyết giảng vì lúc đó có nói con cũng chưa hiểu. Bố mẹ làm như vậy chỉ làm tổn thương con thôi. Con sẽ rất buồn và có cảm giác mất mát, bất lực khi bị tước đoạt mà con không thể kháng cự nổi.
Bố mẹ đang muốn dạy con không được lấy đồ của người khác nhưng hành động của bố mẹ lại khiến con hiểu rằng bố mẹ đang lấy đồ của con cho người khác. Vậy bố mẹ nên làm gì?
Trẻ con rất nhanh quên, nếu có thể, bố mẹ hãy cứ cho con cầm đồ đó về, lúc khác con chán, bố mẹ mang trả đồ cho người ta. Nếu phải trả cho họ ngay lúc đó, bố mẹ hãy phân tán sự chú ý của con sang một cái khác hoặc lấy một đồ vật khác bắt mắt và hấp dẫn hơn để đổi lấy món đồ trong tay con…

 “Nếu con không cho bạn kẹo, bố mẹ sẽ không mua cho con nữa!”
Còn với những thứ của con thì sao như kẹo/ bánh hay đồ chơi chẳng hạn? Bố mẹ muốn con chia cho các bạn nhưng con chưa sẵn sàng thì sao? Liệu bố mẹ có trách mắng con rằng “một cái kẹo có đáng kể gì, con có bao nhiêu cơ mà, cho bạn một cái đi. Nếu con không cho bạn lần sau bố mẹ không mua cho con nữa…” và rất có thể, bố mẹ sẽ giằng lấy rồi tự tay chia kẹo cho bạn của bé?
Hành động này của bố mẹ cũng không khác gì hành động trên, đều là lấy đồ của bé. Bố mẹ làm như vậy, càng làm bé giữ chặt đồ hơn, càng không muốn chia sẻ với người khác.
Trong trường hợp đó, thay vì đưa cả gói kẹo cho con, bố mẹ hãy tự tay chia kẹo, hãy đưa cho con trước rồi đưa cho bạn và nói “kẹo rất ngon, con một cái, bạn một cái, chúng mình cùng ăn chung thật là vui…”. Bố mẹ cũng có thể vừa chia kẹo/ bánh vừa đọc bài thơ “Chiếc bánh ăn một mình, chỉ ngon một nửa thôi, bẻ đôi ra mời bạn, ăn vừa ngon vừa vui”.  Đó là một cách nhẹ nhàng để dạy con biết chia sẻ.
Nếu con có một cái kẹo và chẳng may bị rơi mất, con đang rất buồn và tiếc nên con khóc. Liệu bố mẹ có quát mắng “tại con không cẩn thận nên làm rơi. Lần sau con phải cầm chắc vào. Rơi rồi thì thôi, hôm khác bố mẹ sẽ mua cho hẳn một gói…?”. Nói vậy rồi mà con vẫn không nín. Bố mẹ lại càng cáu hơn và nói “sao có mỗi một cái kẹo mà con khóc gì mà khóc lắm thế…?”.
Trong trường hợp đó, bố mẹ thay vì quát mắng, hãy an ủi và vỗ về bé, hãy cho bé có cảm giác bạn đang đồng cảm với bé “ôi, tiếc quá, kẹo bị rơi mất rồi, bố mẹ đưa con đi mua cái khác nhé, con thích kẹo gì nào, kẹo cam hay kẹo dâu…” hãy cố gắng làm phân tán sự chú ý của bé vào cái kẹo đã mất và chuyển sang chủ đề khác, con sẽ quên ngay và vui vẻ trở lại.
Cha mẹ cũng có thể để bé không gian và thời gian để trải nghiệm nỗi buồn của sự mất mát, bởi sức mạnh của khoảng trống sẽ làm bé trưởng thành và sâu sắc hơn.

Giúp con hiểu về quyền sỡ hữu
Khi con đã hiểu về luật nhân quả, bố mẹ hãy dạy con về quyền sở hữu. Cái gì là của con, cái gì là của bạn. Của con, có có quyền ăn, quyền chơi một mình nhưng con nên chia sẻ với các bạn.
Cái gì không phải của mình thì không được tự ý lấy, nếu muốn sử dụng phải hỏi ý kiến, không được cầm đồ của người khác về khi chưa được sự đồng ý của họ…Hãy hỏi con xem con cảm thấy thế nào nếu các bạn cầm đồ chơi của con về mà không hỏi ý kiến của con? Chơi đồ chơi của con xong không dọn mà cứ thế đi về để con hoặc bố mẹ phải dọn…?
Khi con hiểu được cảm giác của mình trong những trường hợp ấy, con sẽ không muốn làm như vậy với người khác. Nếu có lần nào con lỡ cầm đồ của bạn về nhà, bố mẹ chỉ cần nhắc nhở lại những gì mình đã dạy con thì con sẽ biết nên cư xử thế nào cho đúng.
Phạm Nhung
Yeutretho/ Người Đưa Tin

(Link: http://www.yeutretho.com/mot-cay-keo-dang-gia-bao-nhieu-165891.ytt)

Thứ Tư, 11 tháng 9, 2013

Đừng can thiệp quá sớm

Trích từ bài viết của chị Ái Liên tại facebook group Cha mẹ tuyệt vời (link: https://www.facebook.com/groups/chametuyetvoi/doc/651044284920451/)


Cha mẹ thường hay cấm anh/chị đánh em nhỏ, và thế là em nhỏ cứ tha hồ mà "quậy" anh chị lớn. Cha mẹ cũng ép anh chị lớn nhường cho em. Vậy có công bằng không? có giúp ích cho cả 2 anh/chị và em không?

1- Hãy để cho con cái "tự xử", thậm chí đánh nhau, đừng xen vào, nhưng phải quan sát để hiểu rỏ ngọn nguồn lỗi phải và nếu có dấu hiệu nguy hiểm thì can thiệp ngay.2- Sau khi thấy không có dấu hiệu nguy hiểm, và không có đứa con nào mách điều gì, làm ngơ luôn.3- Nhưng nếu có một hoặc cả hai khóc lóc đòi xử thì xử theo lý lẽ. Đánh phá quậy là sai, ai làm cũng sai. Vậy thì ai đánh trước thì sai, người đánh lại cũng sai. Hãy giải thích, người đánh trước sai thì mình phải tránh hoặc mét bố mẹ. Mình đánh lại thì mình cũng sai luôn.4. Phạt người đánh dù là trước hay là sau.

Hãy để cho em bị anh chị đánh khi em quậy phá anh chi, để em học bài học kinh nghiệm không quậy phá người khác. Nếu cứ buộc anh chị nhường em, em sẽ không hiểu được hậu quả của việc quậy phá người khác, thì khi đi học hoặc chơi với bạn, em sẽ quen thói và quậy phá người ta, em sẽ bị đánh đau hơn. Lúc đó cha mẹ đâu có mặt ở đó để theo dõi và can thiệp.

Nếu cha mẹ cứ buộc anh chị nhường em, sau đó dỗ dành anh/chị "em sai, bố mẹ thương con" thì anh/chị sẽ thấy thích thú vì được dỗ dành là "mình đúng, em sai, bố mẹ thương mình hơn". Vậy là anh chị không còn ý thức biết tự bảo vệ mình, và tiềm thức anh/chị sẽ cứ để cho em đánh. Anh/chi không đánh lại vì không phải vì nghe lời khuyên của bố mẹ, mà sự thật là vì "phần thưởng" được bố mẹ dỗ dành. Khi ra đường anh/chị không có thói quen hay kỹ năng tự bảo vệ hoặc phản kháng, về nhà lại được bố mẹ dỗ dành . . . càng ngày anh/chị sẽ ngày càng yếu ớt và dể bị bắt nạt hơn. 

Đừng ép con chào hỏi

Trích từ bài viết của chị Ái Liên trên facebook của group Cha mẹ tuyệt vời (link: https://www.facebook.com/groups/chametuyetvoi/doc/651045428253670/)

Mình quan sát và thường xuyên thấy cảnh cha mẹ Việt Nam ép con chào hỏi người lớn khi đi ra đường. Khi ép con nói chuyện với khách không được thì chê bai ngay tại chổ. 

Thường xuyên như vậy thì con sẽ bị ám ảnh cái khó chịu của bị ép buộc và chê bai, và bé sẽ ngày càng nhút nhát khi đi ra ngoài và gặp người lạ.

1- KHÔNG ép con chào hỏi
2- Khi rãnh rỗi hãy giải thích cho con lễ nghĩa là nét đẹp của văn hóa, và con người hơn con vật ở chỗ chúng ta biết giao tiếp và có văn hóa
3- Hỏi con "thế con có muốn làm người văn minh không?"
4- Nếu bé nói "không" thì khi gặp khách xin lỗi khách "Xin lỗi, tôi đã giải thích & thuyết phục nhưng con tôi chưa có ý thức chào hỏi, mong chị/anh tha thứ"
5- Tiếp tục kế chuyện, đọc sách, xem phim để chỉ cho bé thấy ích lợi của chào hỏi
6- Khi bé đồng ý và muốn là người văn minh thì hỏi bé
"thế con muốn bố mẹ hỗ trợ không?" Nếu bé gật đầu thì nói "vậy mỗi lần gặp khách, bố mẹ chào trước rồi con chào theo lời bố mẹ nhé"
7- Nếu mình làm như vậy mà bé không làm theo thì TUYỆT ĐỐI KHÔNG CHÊ BAI, hãy khuyến khích "KHÔNG SAO, LẦN SAU CON SẼ LÀM ĐƯỢC MÀ"


Người ta chỉ làm cái gì người ta thấy thích thú và có lợi cho chính họ thôi. Mưu cầu hạnh phúc là nhân quyền căn bản. Hãy tôn trọng hạnh phúc của con, và từ đó giúp bé vui vẻ và giao tiếp tốt.



Thứ Bảy, 10 tháng 8, 2013

Cô gái nhỏ tinh khôi

Mẹ rất thích con gái trong 1 cái đầm trắng tinh, diệu dàng, trông con thật ngọt ngào. Vì vậy, mẹ đã đòi ba làm 1 bộ ảnh cho con - trong đầm trắng xinh yêu này.


Thưởng thức sữa chua mật ong, Vi nhất quyết tự cầm muỗng, mắt vẫn sáng ngời.



Nhìn tấm này, ai nghĩ là con gái chỉ mới 22 tuổi, trông thật suy tư hay đang chờ đợi gì đó.


Tuy chụp ngược sáng nhưng tấm này lại trông hay hay.





Tấm này cười thiệt là giòn. 


Đang suy nghĩ gì đấy, cô gái nhỏ?


22 tháng tuổi

Cân nặng và chiều cao của Vi vẫn giữ mức xung quanh 15 kg - khoảng 91 cm.

Ăn uống: hầu hết những buổi ăn với gia đình là ăn cùng đồ ăn với người lớn, mẹ chỉ cắt nhỏ ra thôi. Đi chơi xa cũng ăn giống ba mẹ, trừ các món cay. Tuy nhiên, vẫn ăn theo hứng, có hôm ăn được nhiều, hôm chỉ ăn 1,2 miếng là thôi. Ăn uống không phải vấn đề đáng lo lắng đối với con. Ngày 2 cử sữa bột vào trưa và tối, còn sáng và chiều thì uống sữa tươi. Hết hộp sữa bột này là khỏi uống sữa bột nữa luôn, uống sữa tươi toàn phần. Vi đã bắt đầu ăn sữa chua mẹ làm, không ngọt bằng ở tiệm nhưng vệ sinh, đảm bảo.

Sức khỏe: khá tốt. Chỉ bị sổ mũi khá lâu và kèm ho, may sao đến ngày đi chơi thì giảm bớt. Xuống hồ bơi mà nước mũi lại chảy ròng ròng.

Ngủ: Vi ngủ bên phòng Vi. Vẫn còn hay tỉnh giấc giữa đêm, ra cửa đứng kêu mẹ, làm mẹ phải sang ngủ với Vi. Nhiều hôm sáng mở mắt thấy nằm bên phòng Vi mà không nhớ sang lúc nào nữa cơ.

 Ngôn ngữ: Vi nói khá nhiều, có thể nói câu 4,5 chữ. Ngoài các bài đã biết hát trước nay thì thuộc thêm bài Đoàn tàu tí xíu, Rửa mặt như mèo, Thằng bờm. Đã biết thể hiện ý muốn nhiều hơn, dùng ngôn ngữ trong rất nhiều trường hợp. Mặt này mẹ thấy Vi phát triển nhanh ghê.

Tính cách: bắt đầu nhõng nhẽo, ăn vạ, khi không bằng lòng thì gào to, khóc giãy nảy, trì người không cho ẵm. Khoản này là phải xem xét chỉnh sửa ngay. Con gái khá mít ướt, nhiều khi đụng 1 tẹo cũng chảy nước mắt, gào khóc.

Trò chơi: vẫn thích đi công viên, chơi tiếp các trò thường ngày như xỏ dây, tô màu các loại, chơi bột, ghép hình thật với bóng. Vẫn tiếp tục xem các chương trình brillkids dù không tập trung nhiều, xem phim hoạt hình (đôi khi), e flashcards, thích ôm cổ ba mẹ đòi cõng.

Và đây là nàng khi 22 tháng:


Dạy trẻ kỹ năng sinh tồn

Đọc được bài này ở FB của Người hay ăn (Singapore) và thấy vô cùng hữu ích, lưu lại để áp dụng và share cho mọi người. Bài viết rất thực tế, hiệu quả và hợp lý.

August 7, 2013

Nhân đọc bài báo "Hành trình leo Fanxipan của "phượt nhí" 5 tuổi". Link và nội dung bài báo ở phía cuối note này.

Mình không chỉ trích, nhận xét tốt, xấu về việc làm của người cha, chỉ muốn nói về cách dạy trẻ kỹ năng sống.

Ở đây, mình hiểu là người cha muốn dạy cho con về kỹ năng sinh tồn (survival skills) chứ không đơn thuần là rèn luyện sức khỏe, song mình cho là anh chưa xác đúng kỹ năng sinh tồn cần thiết cho trẻ ở lứa tuổi của con anh - 5 đến 8 tuổi - là gì. Điều này còn tùy thuộc vào môi trường đứa trẻ đang sống, bởi vì rèn luyện cho chúng những kỹ năng này chẳng phải để chúng có thể tự lo cho thân ở những tình huống khó khăn mà chúng có khả năng sẽ gặp phải, mà trước tiên là ở ngay tại môi trường chúng đang sống hàng ngày đó sao ? 

Ở tuổi này, nhất và với trẻ đang sống ở một đô thị bình thường, mình cho rằng những kỹ năng dưới đây mới là cần thiết nhất.

1. Làm gì khi bị lạc ?

- Dặn trẻ dừng ngay tại điểm mình bị lạc.

Lúc mình được 4 tuổi, bố hay dẫn mình đi ăn quà vặt, đi chơi vào mỗi sáng chủ nhật. Có lần, mình bị lạc ngay ở đoạn trước cổng chợ. Người qua lại đông kinh khủng, mình hoàn toàn mất phương hướng vì mình bé tẹo, lọt thỏm giữa rừng người, nhưng mình nhớ lời ông dặn là khi bị lạc thì luôn đứng yên ở chỗ bị lạc, không được tự ý đi lang thang. Mình đang mếu máo thì ông quay ngược lại và tìm thấy mình. Điều này, mình đã nhắc lại với các con.

- Nếu tìm sự giúp đỡ thì đối tượng có thể tin tưởng là những người mặc đồng phục như cảnh sát, nhân viên an ninh, nhân viên của địa điểm mình đang bị lạc (như siêu thị, khu vui chơi... ).

Một lần, nhà mình chờ chuyển tiếp ở một sân bay, thời quan quá lâu nên việc để mắt liên tục đến chúng trở nên rất mệt mỏi, loáng một cái con biến mất khỏi tầm mắt. Hắn đã biết túm lấy một cô mặc đồng phục, nhân viên trong sân bay để được họ lên loa thông báo cho bố mẹ tới nhận.

- Mẹo vặt giúp con gây tiếng ồn khi bị lạc (trường hợp trẻ không có điện thoại).

Khi cho con đi chơi ở những khu vui chơi quá rộng, người đông, khó tìm được nhau, giống như Disney Land chẳng hạn, bố mẹ nên bỏ vào túi con một chiếc còi đồ chơi để chúng có thể thổi khi lạc bố mẹ hoặc rơi vào tình huống bị làm cho sợ hãi.

2. Dạy chúng cách xem bản đồ.

3. Dạy chúng bơi.

4. Dạy chúng cách sơ cứu như rửa vết thương, khử trùng vết thương, dán băng y tế đơn giản...

5. Ở nhà một mình.

Nguyên tắc là không được mở cửa cho bất cứ ai trừ bố mẹ nhưng nếu thấy có người có vẻ cố tình rình rập ở cửa để vào nhà thì trẻ nên bật TV thật lớn, gây tiếng ồn trong nhà để kẻ lạ mặt nghĩ trong nhà có người lớn. 

6. Khi bố mẹ gặp sự cố như bất tỉnh, tai nạn. 

Ở tủ lạnh, mình luôn treo một list số điện thoại quan trọng như xe cấp cứu, cứu hỏa, cảnh sát... Dạy trẻ cách gọi điện tới số gọi cấp cứu khi cần, nếu dùng điện thoại di động thì để loa để vừa nói được, vừa có thể giúp đỡ bố/mẹ, người đang ở trong trạng thái bị thương chẳng hạn.

7. Xác định thực phẩm nào ăn được trong trường hợp cần sống sót.

Không phải đi đâu xa, thiết thực nhất là ngay tại trong nhà, nhiều trẻ ở thành phố hoàn toàn lúng túng khi bị đói  lúc chỉ có một mình. Trước đây có trường hợp một bé tuổi mẫu giáo đã sống sót khi bị bỏ quên trong nhà nhiều ngày nhờ biết tự mở tủ lạnh, lôi tất cả những thứ có thể ăn được như trứng sống ra ăn. Trẻ em ở phố hầu hết ít để ý tới điều này. Thậm chí, tụi trẻ như con mình, sinh ra ở Thụy Sĩ, từ bé tới giờ chỉ uống nước chai Evian, còn không có thói quen uống nước ở vòi hay đun nước máy sôi lên để uống, vì thế, rất thường xuyên mình phải nhắc chúng đừng quên là nếu có lúc nào nhà hết nước chai, các con phải biết là nước vòi dùng được hoặc tìm kiếm ở những nguồn khác trong trường hợp đặc biệt, như mở ấm nước điện vẫn đang còn nước, dùng đá trong tủ lạnh làm tan chảy, để ý các loại đồ ăn khô có thể ăn được có trong các hộc tủ, đồ ăn sống trong tủ lạnh...

Dạy chúng xác định thực phẩm trông như thế nào là đã hỏng, mốc, không còn có thể ăn được (trong sinh hoạt hàng ngày).

Nếu ai sống ở môi trường có đất đai, gần thiên nhiên thì dạy con cách nhận diện, xác định nguồn thực phẩm từ cây quả, thảo dược.

8. Dạy chúng về các thao tác thoát hiểm khi có hỏa hoạn, có động đất, trong trường hợp nguy cập nhất, phải lánh nạn thì cố gắng nhặt theo thứ cần kíp nhất, như điện thoại, chai nước (đồ ăn, đèn pin, nếu có thể), vật dụng nào gây tiếng ồn như còi (đồ chơi bình thường bố mẹ vẫn rất ghét ý lại rất có ích trong nhiều trường hợp đấy nhé).

9. Dạy chúng cách đi đường một mình an toàn.

Tụi trẻ nhà mình bắt đầu tự đi học bằng các phương tiện công cộng hoặc tự đi lại trong thành phố bằng taxi từ lớp 3, vì thế, dặn chúng nhận diện phương tiện như biển số xe, tên công ty xe, những tòa nhà hay biển hiệu quan trong trên con đường lạ chúng đi qua là rất cần thiết, ngoài ra, chúng cần mang theo điện thoại và đảm bảo là không được chơi games đến vạch pin cuối cùng. 

Khi về Việt Nam, mình dặn chúng ở trường hợp bị lạc mà không có điện thoại trên người, không vội vàng túm lấy người lạ để xin giúp đỡ mà vì môi trường sống ở VN không an toàn như ở Sing, nên bình tĩnh quan sát và đi vào một nhà hàng, cửa hiệu nào nhìn đàng hoàng, có vẻ tin cậy được nhất, ngồi đó và gọi nhờ điện thoại ở lễ tân cho người nhà.

Đối với trẻ nhỏ tuổi như chúng, dạy tự vệ không quan trọng bằng việc phòng tránh mối nguy hiểm, vì chúng quá nhỏ, nếu gặp kẻ gian là người lớn thì chúng khó mà chống cự được, vì vậy cần :

- Dặn con  cố gắng tránh đi vào toilet ở nơi công cộng một mình, nếu có bạn đi cùng thì cũng không la cà lâu ở bên trong. Nếu có anh, chị, em thì luôn đi với nhau, trông chừng nhau ở những nơi thế này. 

- Dạy trẻ không nhận bất cứ món đồ ăn nào từ người lạ, không nói chuyện. Ở trường, ngoài giáo viên ra, con không được tiếp nhận và tin vào bất cứ một thông tin gì khác lạ so với thường ngày mà không tự miệng bố mẹ dặn dò.

- Trường hợp bỗng bị kẻ nào lôi đi mà không thể bỏ chạy được vì bị túm giữ thì kháng cự bằng cách đu chặt lấy chân kẻ gian, cố gắng nằm xoài ra đất, dùng sức nặng của cơ thể mình víu xuống và kêu gào hết sức có thể, để cản trở việc kẻ gian di chuyển (như lôi vào xe).

10. Nếu có điều kiện thì tiếp đến, mới dạy chúng những kỹ năng khác, ít khẩn cấp hơn như nhóm lửa, cách làm chín thực phẩm một cách đơn giản, mở nắp hộp đồ ăn (ở nước ngoài), cách dùng tấm khăn, vải để lọc nước bẩn và đun chín ở trường hợp bị khát ở nơi không có nước sạch, cách dựng lều hoặc che phủ kín toàn thân để ngủ mà không bị muỗi... 

Bố mẹ cũng có rất nhiều điều phải học để bảo vệ con mình trước khi dạy con mình những kỹ năng sống sót cần thiết đấy. Một ví dụ nhỏ thế này. Mình nhớ đã từng xem phóng sự về một vụ trẻ con bị bắt cóc ở một khu vui chơi. Kẻ bắt cóc đã nhanh tay thay đồ cho đứa trẻ. Nhân viên an ninh của khu vui chơi đã được huấn luyện cho những công việc này nên họ đã chặn tất cả các cửa và dặn cha mẹ đứa trẻ là phải chú ý tới đôi giầy của mỗi đứa trẻ để nhận diện con chứ đừng nhìn lướt qua quần áo, vì kẻ bắt cóc thường chỉ kịp thay quần áo chứ ít chú ý tới giầy dép. Thật là một kinh nghiệm hữu ích.

Tóm lại, việc cho trẻ ở tuổi hai bé leo lên Fanxipan để rèn luyện về kỹ năng sống sót, không thực sự cần thiết mà hiệu quả giáo dục không cao. Ở chuyến đi này, các bé chỉ rèn được thể lực cho một chuyến đi đường trường, địa hình nguy hiểm, mà điều này thì anh hoàn toàn có thể dạy được cho con ở những chuyến đi nhẹ nhàng hơn như Sapa, Mộc Châu. Mình vẫn cho các con đi trekking vài ngày dưới trời mưa và lạnh  hoặc lên núi ở độ cao vài nghìn mét, -15 độ, nhưng mình cho chúng đi như một chuyến du lịch, để thăm xem, khám phá bình thường và luôn ở điều kiện an toàn tuyệt đối (không có những đoạn đường nguy hiểm), chứ không phải đi với chủ ý bắt chúng phải rèn luyện, nếu chúng có học được gì đó từ những chuyến đi này thì tốt cho chúng. Ngoài ra, điều quan trọng là trẻ phải hiểu được mục đích của chuyến đi và thích thú với nó, tuyệt đối không được bắt ép con làm theo. 

(Sưu tầm từ facebook của Group Cha mẹ tuyệt vời)

Thứ Hai, 29 tháng 7, 2013

Chuyện lớp trưởng của con trẻ ở Đức

CHUYỆN "LỚP TRƯỞNG" CỦA CON TRẺ Ở NƯỚC ĐỨC
Bài dưới đây được anh Trần Đình Ngân viết nhân khai giảng năm học 2009 - 2010, bài viết không phải là mới nhưng những điều mà bài viết gợi mở vẫn thật bổ ích với các bậc phụ huynh, các nhà giáo dục. Xin trân trọng giới thiệu đến bạn đọc.

Tôi có cháu gái đằng vợ tên là Thanh Hòa. Từ ngày học mẫu giáo, cháu vốn khỏe mạnh, cứng cáp và thông minh. Khi cả bọn cùng lứa với kéo nhau lên lớp 1 trường Phan Phù Tiên, quận Thanh Xuân (Hà Nội), Hòa đương nhiên vẫn là đầu đàn, là lớp trưởng.

Gặp nhau năm Hòa lên lớp 2, vẫn với thành tích học tập tốt, vẫn lớp trưởng, quà thưởng dịp đó rất to. Vui chuyện, hỏi cháu về nhiệm vụ lớp trưởng, Hòa bẽn lẽn: nào hô các bạn đứng dậy chào thầy cô, nào lo trực nhật, lau bảng, nhắc các bạn giữ trật tự trong lớp... nhiều lắm!

- Thế khi gặp các bạn ẩu đả, nghịch ngợm, chế giễu nhau ngoái lớp thì làm sao? - bố Hòa hỏi chen vào.

- Thì báo cho cô chủ nhiệm biết, ạ.

- Thế lớp trưởng mắc khuyết điểm, có bạn nào mách cho cô giáo không?

- Có mà dám!

Nghe cháu trả lời, cả nhà nhìn nhau, lặng người, cười.
*
Phương Hiền, con gái tôi, học lớp 2 trường Friedrich-Reimann-Grundschule. Cô chủ nhiệm là bà giáo R.Lipka.

Đã vài lần gặp gỡ nên tại buổi họp phụ huynh đầu năm, từ ngoài cửa, bà đã tươi cười chào: “Lần này, ông có ý kiến gì góp cho lớp đây? Chúng ta có một giờ để trò chuyện cơ đấy!”.

Khi đến lượt trao đổi trực tiếp, tôi hỏi: “Thưa bà, lớp 2A, cháu nào được chọn là lớp trưởng?” (cũng phải nói thêm do khả năng tiếng Đức mà tôi đã dùng từ “lớp trưởng” theo nghĩa hiểu của tiếng Nga, hoặc tiếng Hán Ban trưởng mà người Việt ta lâu nay vẫn hay dùng).

Thoáng một chút trầm ngâm, bà R.Lipka vui vẻ nói: “Tôi nghĩ là tôi đã hiểu câu hỏi của ông. Vì qua Phương Hiền được biết, ông từng là một đồng nghiệp. Lớp chúng tôi không có học sinh nào được chọn làm Obmann hay Chef cả. Ở tuổi cấp một, chúng còn quá bé để phải chịụ thêm trách nhiệm về hành vi của một bạn khác, dù chỉ là nhắc nhở hoặc để ý rồi trình báo với thầy cô. Nếu phải chịu trách nhiệm thêm về một bạn khác, đứa trẻ dễ ngộ nhận nó có thêm quyền lực và ngược lại đứa bị giám sát sẽ có cảm giác yếm thế, lệ thuộc. Tất nhiên chữ “nếu” chỉ là hãn hữu, nhưng dù 1% chúng tôi cũng không cho phép xảy ra. Tôi nhận thêm lương giáo viên chủ nhiệm để chịu toàn bộ trách nhiệm về hoạt động của học sinh trong thời gian học tại trường. Trong lớp, mọi em đều được cô giáo phân công trách nhiệm với lớp như nhau”.

Rồi bà giáo hơi mỉm cười, hỏi: “Theo ông, khi các vị phụ huynh đều đóng phần thuế học cho con bằng nhau, ông có chấp nhận khi con ông bạn hàng xóm tự nhiên lại là “trưởng" của con mình không? Tất cả các vị phụ huynh của chúng tôi đều không chấp nhận, họ đòi hỏi sự công bằng. Mới vào lớp 1, lớp 2 mà đã có đứa được là “sỹ quan”, đứa là “lính” ư? Xin ông nhớ rằng, dù có tạo ra được một thủ lĩnh thì chúng ta đã đồng thời tạo ra một loạt những đứa nhút nhát và a dua, phụ thuộc thủ lĩnh. Đấy là chưa kể đứa trẻ - được tin cậy kia có nguy cơ bị nhiễm thêm thói xấu: nhòm ngó, mách lẻo, chỉ điểm... Giai đoạn đầu giáo dục cấp một, giúp hình thành chứ không nên định hình tính cách của trẻ.

R.Lipka liếc nhìn đồng hồ: “Giải đáp câu hỏi như vậy có đúng ý ông?”.

Tôi thành thật trả lời rằng rất muốn được nghe bà nói tiếp. Bà cười hiền hậu: “Tất nhiên, đề tài này phải có kết luận! Ông nên biết, khi làm đơn xin tiếp tục nghề dạy tiểu học, tôi đã bảo vệ chính đề tài này tại Hội đồng Phổ thông trung học. Tôi hiểu ngay câu hỏi của ông, vì chính chúng tôi cũng đã qua thời kỳ chuyển hóa Đông - Tây về giáo dục!”.
*
Từ năm lớp 5, trách nhiệm của giáo viên chủ nhiệm với lớp vẫn nặng nề như thế. Nhưng do học sinh đã lớn lên, cứng cáp hơn, nề nếp sinh hoạt, tư duy đa dạng nên trong tổ chức của lớp có thêm một chức danh là Klassensprecher. (Xin dịch là “Phát ngôn viên của lớp”).

Vì là chức danh nên nhất định Klassensprecher phải do lớp bầu với đa số tín nhiệm (không cần sự có mặt của các thầy cô).

Mọi học sinh trong lớp đều có quyền tự ứng cử họặc vận động bè bạn bỏ phiếu cho mình. Klassensprecher là cầu nối chỉ truyền đạt những thông tin được các bạn nhờ chuyển đến thầy cô hoặc ngược lại, không được truyền những thông tin cá nhân không được nhờ. (Nếu vi phạm bị coi là mách lẻo hoặc xâm phạm đời tư!).

Đề tài “lớp trưởng” tưởng chỉ là một bài học có tính giáo dục, làm thay đổi tư duy bảo thủ của một nhà giáo cổ hủ, giáo điều như tôi.

Không ngờ, 5 năm sau, khi Phương Hiền vào học lớp 7, tôi lại được chứng kiến sự dân chủ, công bằng và rất giáo dục trong môi trường đào tạo của con mình qua đề tài đó.

Đây là cảm xúc chính để tôi kể lại câu chuyện cho bạn đọc hôm nay.

Học kỳ hai của lớp 7B trường trung học chuyên Charles-Darwin-Oberschule (Gymnasium), quận Trung tâm - Berlin.

Chiều nay, Phương Hiền tỏ ra đăm chiêu, ngồi cắm cúi viết. Thấy con bức xúc, tôi hỏi thì được biết: Jonoar phát ngôn viên lớp 7B phải theo mẹ hồi hương về Cu-ba nên lớp cần bầu một người thay thế. Đã có ứng viên là Magir - một bạn gái da màu gốc Phi. Magir thành thạo tiếng Pháp - môn ngoại ngữ thứ hai mà nhiều bạn học còn yếu. Magir có năng khiếu bẩm sinh về hoạt động thể dục thể thao. Lời cam kết trước các bạn khi đề nghị bỏ phiếu cho mình của Magir là "Tôi sẽ liên hệ để có sự giúp đỡ của cô giáo dạy tiếng Pháp. Mỗi tuần lớp sẽ có một buổi hội thoại chủ đề Pháp ngữ tại Thư viện quận Trung tâm. Năm nay, trong tuần ngoại khóa, nếu các bạn ở lớp đồng tình, được cô chủ nhiệm chấp nhận, lớp sẽ chọn Paris là địa điểm đi tham quan dã ngoại giáo dục. Tôi xin chuẩn bị đề cương tham quan bằng tiếng Pháp và in gửi trước cho các bạn. Bản thân tôi cam kết sẽ hợp tác với các bạn trong lớp, nâng điểm tóan lên 2,5 để điểm trung bình các môn của tôi trong năm là 2,5. Ngoài ra, về thể dục thể thao, tất nhiên học kỳ này, lớp ta phải có một tờ thông báo nóng hổi WM 2006 tại Đức".

Đọc tờ rơi cam kết của ứng viên, tôi hỏi con gái:

- Magir như vậy, Phương Hiền sẽ thế nào?

- Con thích được thử sức. Trường con chưa có bạn người Việt nào nhận chức danh này. Nhiều bạn trong lớp đề cử con. Chúng nó bảo con cần viết Rede Wahl versprechen (lời cam kết của ứng viên chức danh phát ngôn viên).

- Tự con đánh giá về mình thế nào?

- Con tự tin. Con có học lực tốt nên có thể giúp đỡ được nhiều bạn về môn Toán, Đức văn, Điạ lý, Anh văn.

Còn môn lịch sử, con có thể có thêm sự giúp đỡ của bố để giúp lại các bạn.

- Hoạt động ngoại khóa?

- Tất nhiên chọn Paris làm tuần tham quan giáo dục là tuyệt vời. Chính Magir có thể cộng tác với con và các bạn trong nhóm Tây Âu học. Có hai ngày cắm trại dã ngoại, cô giáo rất ủng hộ việc đi chơi mỏ muối Eisenach và thăm nơi Hitler đã cất giấu hàng vạn bức tranh quý của các bảo tàng chúng cướp được trong chiến tranh.

Ngập ngừng một chút, Phương Hiền thổ lộ thêm một “chi tiết tranh cử” làm tôi bật cười: “Bố ạ, cả lớp con bỏ phiếu kín về món ăn khoái khẩu nhất - 83% phiếu kín khi mở ra ghi là “PHO”. Các bạn sẽ góp tiền, nhờ bố giúp con, nói chú Hoàng chuẩn bị trước, một hai lần vào thứ 7 nào đấy, cả lớp đến ăn. Sẽ rất vui phải không bố?

Chuyện “lớp trưởng” đã đến đoạn kết. Hình ảnh các ứng viên tổng thống Mỹ dốc hết trí tuệ (kéo theo cả vợ con) để thu phục nhân tâm cử tri Mỹ trong các chiến dịch tranh cử cam go, công bằng cứ hiện lên trong óc tôi.

Phải chăng chính nền giáo dục của họ ngay từ lớp 1, lớp 2 đã làm lớn dần lên những Merkel, Obama, Bush, Clinton, Schröder... cho đất nước? Lớp 7B của con gái tôi, liệu mai này có ra đời những thủ lĩnh chân chính từ Klassenspecher?
*
Cháu gái Thanh Hòa kể cả mẫu giáo - đến nay đã 11 năm làm lớp trưởng. Tôi thầm hỏi tương lai của “lớp trưởng chuyên nghiệp” sẽ ra sao? Có “nghề lớp trưởng” rồi, sẽ giúp cho cháu gái tôi có được lợi thế gì khi các kỳ thi sắp tới?!

Trần Đình Ngân
(Đức)
Theo báo Dân Trí