Thứ Tư, 28 tháng 11, 2012

Kỷ luật không nước mắt

Hôm qua mẹ đi nghe "Kỷ luật không nước mắt" con ạ! Mẹ đã nghe giới thiệu và buổi học này trước đây cũng như đã đọc 1 bài tóm tắt của 1 chị trên webtretho rồi. Nhưng hôm qua mẹ đi nghe thực tế và cảm thấy rất thích buổi nói chuyện này. Diễn giả dễ thương, nội dung hay và rất có ích.

Mẹ ghi lại những ý chính, để dành lâu lâu lấy ra đọc lại, không quên. Vì cam kết "không bạo lực, không bỏ cuộc" nên phải viết lại đây, lâu lâu tự nhắc nhở mình.

1. Quy tắc thưởng phạt: 
- Thưởng phạt phải rõ ràng, quy tắc thưởng phạt phải được thương lượng, sau khi thương lượng và thống nhất thì không thay đổi.

- Thưởng phạt chỉ dựa trên sự cố gắng, không dựa trên kết quả.

- Thưởng phạt chỉ dựa trên cái bé muốn, không dựa trên cái bé cần. Cái bé cần là nhu cầu cơ bản, là nhân quyền của bé, không được vi phạm.

- Hình phạt phải: không sợ, không đau, không khó chịu.

- 2 hình thức phạt: Timeout và bảng điểm.

- Time out áp dụng khi bé đã hiểu về quy luật nhân quả và có thể áp dụng đến khi bé 10 tuổi. Thời gian timeout: 1 phút cho 1 tuổi, nếu bé không hợp tác, tăng thêm 1 phút. Tối đa là 15 phút/lần và 1 ngày không quá 20 lần. Nếu bé vẫn không hợp tác, lấy dần dần các điều bé muốn. Ghế để bé ngồi khi timeout là chiếc ghế bé thích, tại vị trí an toàn, và không để đồ vật trong tầm tay bé. Không bé nào ngoan ngay từ lần timeout đầu tiên. Cần kiên trì và nhẹ nhàng với bé.

- Bảng điểm: áp dụng cho các thành viên trong gia đình. Quy định cụ thể: ăn cơm trong 15 phút cộng 1 điểm, trong 30 phút không có điểm, hơn 30 phút trừ 1 điểm. Bảng điểm không quá 10 mục, tổng kết theo tuần. Phần thưởng tăng dần theo số điểm, theo hình thức win - win. Không áp dụng win - lose với bé trong mọi hoạt động, để bé cảm thấy hoặc được tất cả hoặc không có gì. Không khuyến khích bé bằng cách chỉ hạng nhất mới có quà, nếu ít điểm nhất thì không có gì, dạy bé có rất nhiều cách để thực hiện trong cuộc sống, không chỉ có thắng hay thua.

- Dạy bé theo hướng: hợp tác - thương lượng - thống nhất. Bé được quyền có ý kiến, có trao đổi, thương lượng và đi đến thống nhất. Sau khi thống nhất thì theo quy định mà thực hiện, áp dụng đối với tất cả thành viên. Không dạy bé theo hướng vua - tôi, người bảo - người vâng lời, không có khả năng phản biện.

- Dạy bé bằng cách nhắc nhở nhiều lần, lặp đi lặp lại để bé nhớ, tìm tài liệu khoa học, ví dụ thực tế cho bé hiểu, nếu vẫn không được thì mới phạt bé.

- Không hối lộ bé: "Con ăn cơm ngoan thì mẹ cho ăn kem" --> Bé ăn ngoan vì bé muốn ăn kem không vì sức khỏe của bé, không có kem bé không ăn cơm. Điều này rất khó thực hiện nhưng cần cố gắng thay đổi. Mặc dù xã hội hiện nay ngược lại với nguyên tắc này, nhưng phải dạy bé từ khi còn nhỏ, phải là người đi đầu trong việc xây dựng xã hội theo hướng tốt hơn.

2. Nghệ thuật khen chê: 
- Khen phải trung thực, chân thành.

- Chê là chê hành động, không chê bé. Chỉ có hành động xấu, bé luôn luôn tốt. Khi chê phải nói cụ thể về hành động, giải thích cho bé nghe. Dùng 3 câu hỏi: Tại sao con làm vậy, con muốn gì, bài học rút ra là gì.

- Khuyến khích bé phân bua, giải thích. Giúp bé có khả năng phản biện trong cuộc sống sau này.

- Không dùng các từ: ngoan, hư, lì, bướng ... có tính chung chung. Nên giải thích cụ thể cho bé.

3. Quy tắc ứng xử: 
- Luôn làm gương cho bé.

- Lời khuyên và thông điệp: Bé sẽ nghe lời khuyên nhưng sẽ làm theo thông điệp. Do đó phải cẩn thận khi truyền thông điệp cho bé. Ví dụ: lời khuyên là con không được nói đối, nhưng khi đưa bé đi xem phim bảo bé là "tí nữa con bảo con 5 tuổi nhé thì sẽ được miễn phí vé" --> bé sẽ hiểu lời khuyên là không nên nói dối nhưng thông điệp là muốn được việc phải nói dối.

- Luôn chuẩn bị, báo trước để bé chuẩn bị tinh thần. Không làm bé có cảm giác bất ngờ, đột ngột. Nên báo trước và nhắc nhở bé.

- Hạn chế dùng câu khẳng định, dể có ý ra lệnh. Không dùng câu hỏi đóng (yes/no) vì khiến bé trả lời cho xong, không gợi mở. Dùng các câu hỏi mở. Ví dụ: Không nói: Đi tắm đi con, Tới giờ tắm rồi phải không con? mà nên dùng "Sắp tới giờ gì ấy nhỉ?" nếu bé không biết thì dẫn bé ra xem thời khóa biểu đã thương lượng và cam kết trước đó. Sau đó, nhắc nhở bé còn 5 phút, còn 1 phút, hết giờ, nếu bé khóc và không chịu tắm thì cứ để bé khóc. Khóc là quyền cơ bản của bé, đồng thời để bé hiểu rằng khóc không giải quyết vấn đề.

- Mỗi lần chỉ dạy bé 1 bài học, tránh làm bé rối.

- Đã cam kết là phải thực hiện: kể cả cha mẹ, khi đã cam kết là không thay đổi.

- Bé có trách nhiệm: thực hiện 1 số công việc nhà vừa sức, trách nhiệm với các cam kết của mình, và trách nhiệm với hậu quả của việc mình làm.

- Bé được quyền tham gia các công việc nhà, tham gia quyết định các sự việc liên quan gia đình (tập cho bé suy nghĩ, lựa chọn, quyết định), bé có quyền tham gia thương lượng để làm ra luật gia đình.

- Tập cho bé khả năng quyết định: dưới 9 tuổi, cha mẹ quyết định hầu hết, bé tập suy nghĩ, từ 9 - 15 tuổi bé được quyết định 1 số vấn đề, trên 15 tuổi, bé có quyền quyết định phần lớn việc của bé. Cho bé lựa chọn món ăn, khi đã quyết định thì phải chịu trách nhiệm với quyết định của mình.

- Tập cho bé có những trải nghiệm thực tế, hiểu hậu quả đương nhiên. Nếu bé kiên quyết sờ ấm nước nóng, hãy để ấm nước ở mức nóng nhưng không gây nguy hiểm cho bé và cho bé sờ thử.

- Luôn thử dùng nhiều cách trước khi nghĩ tới bạo lực.

- Luôn nhận lỗi với bé khi mình làm sai.

- Luôn tạo môi trường sống tốt, vui vẻ, hạnh phúc cho bé, việc phạm lỗi là đương nhiên, lâu lâu 1 lần, không đáng quan tâm, giúp bé có cuộc sống hạnh phúc, không sợ phạm lỗi, sợ chỉ trích.

Kế hoạch tiếp theo: Tham gia khóa học "Cha mẹ am hiểu" trong tháng 12 tới.


1 nhận xét: