Thứ Năm, 12 tháng 9, 2013

Một cây kẹo đáng giá bao nhiêu?

 Mình đọc bài này thất rất thích, vì nó vừa gần gũi lại thực tế. Bản thân mình hồi nhỏ tới nhà bạn chơi cũng cầm đồ về, thấy thích nên cầm thôi chứ không hiểu ăn cắp/ăn trộm gì. Giờ đọc bài này thấy những việc này xảy ra như cơm bữa mà có khi mình cũng xử trí không thỏa đáng.


 “Bé lấy đồ người khác là rất bình thường!”
Với bố mẹ, vất vả kiếm tiền là vì ai- tất nhiên là vì bé rồi, nhưng bé có hiểu điều đó không? Bé có biết bé giàu như thế nào không? Thưa không, bé là một người vô sản. Khái niệm sở hữu của bé rất đơn giản: cái gì trong tầm mắt, tầm tay bé là của bé. Sử dụng như thế nào, định đoạt nó ra sao là quyền của bé. Chính vì vậy, việc bé mang đồ của người khác về nhà là việc rất bình thường. Bé chưa có khái niệm thế nào là ăn cắp hay ăn trộm- đó là khái niệm của người lớn, còn với bé đơn giản chỉ là “của mình thì mình mang về thôi”.
Khoảng trước 2 tuổi, bé chưa hiểu về luật nhân quả, chưa hiểu thế nào là của mình, thế nào là của bạn, bố mẹ không nên cố giằng bằng được đồ trong tay con để trả cho chủ của nó, cũng đừng quát mắng hay thuyết giảng vì lúc đó có nói con cũng chưa hiểu. Bố mẹ làm như vậy chỉ làm tổn thương con thôi. Con sẽ rất buồn và có cảm giác mất mát, bất lực khi bị tước đoạt mà con không thể kháng cự nổi.
Bố mẹ đang muốn dạy con không được lấy đồ của người khác nhưng hành động của bố mẹ lại khiến con hiểu rằng bố mẹ đang lấy đồ của con cho người khác. Vậy bố mẹ nên làm gì?
Trẻ con rất nhanh quên, nếu có thể, bố mẹ hãy cứ cho con cầm đồ đó về, lúc khác con chán, bố mẹ mang trả đồ cho người ta. Nếu phải trả cho họ ngay lúc đó, bố mẹ hãy phân tán sự chú ý của con sang một cái khác hoặc lấy một đồ vật khác bắt mắt và hấp dẫn hơn để đổi lấy món đồ trong tay con…

 “Nếu con không cho bạn kẹo, bố mẹ sẽ không mua cho con nữa!”
Còn với những thứ của con thì sao như kẹo/ bánh hay đồ chơi chẳng hạn? Bố mẹ muốn con chia cho các bạn nhưng con chưa sẵn sàng thì sao? Liệu bố mẹ có trách mắng con rằng “một cái kẹo có đáng kể gì, con có bao nhiêu cơ mà, cho bạn một cái đi. Nếu con không cho bạn lần sau bố mẹ không mua cho con nữa…” và rất có thể, bố mẹ sẽ giằng lấy rồi tự tay chia kẹo cho bạn của bé?
Hành động này của bố mẹ cũng không khác gì hành động trên, đều là lấy đồ của bé. Bố mẹ làm như vậy, càng làm bé giữ chặt đồ hơn, càng không muốn chia sẻ với người khác.
Trong trường hợp đó, thay vì đưa cả gói kẹo cho con, bố mẹ hãy tự tay chia kẹo, hãy đưa cho con trước rồi đưa cho bạn và nói “kẹo rất ngon, con một cái, bạn một cái, chúng mình cùng ăn chung thật là vui…”. Bố mẹ cũng có thể vừa chia kẹo/ bánh vừa đọc bài thơ “Chiếc bánh ăn một mình, chỉ ngon một nửa thôi, bẻ đôi ra mời bạn, ăn vừa ngon vừa vui”.  Đó là một cách nhẹ nhàng để dạy con biết chia sẻ.
Nếu con có một cái kẹo và chẳng may bị rơi mất, con đang rất buồn và tiếc nên con khóc. Liệu bố mẹ có quát mắng “tại con không cẩn thận nên làm rơi. Lần sau con phải cầm chắc vào. Rơi rồi thì thôi, hôm khác bố mẹ sẽ mua cho hẳn một gói…?”. Nói vậy rồi mà con vẫn không nín. Bố mẹ lại càng cáu hơn và nói “sao có mỗi một cái kẹo mà con khóc gì mà khóc lắm thế…?”.
Trong trường hợp đó, bố mẹ thay vì quát mắng, hãy an ủi và vỗ về bé, hãy cho bé có cảm giác bạn đang đồng cảm với bé “ôi, tiếc quá, kẹo bị rơi mất rồi, bố mẹ đưa con đi mua cái khác nhé, con thích kẹo gì nào, kẹo cam hay kẹo dâu…” hãy cố gắng làm phân tán sự chú ý của bé vào cái kẹo đã mất và chuyển sang chủ đề khác, con sẽ quên ngay và vui vẻ trở lại.
Cha mẹ cũng có thể để bé không gian và thời gian để trải nghiệm nỗi buồn của sự mất mát, bởi sức mạnh của khoảng trống sẽ làm bé trưởng thành và sâu sắc hơn.

Giúp con hiểu về quyền sỡ hữu
Khi con đã hiểu về luật nhân quả, bố mẹ hãy dạy con về quyền sở hữu. Cái gì là của con, cái gì là của bạn. Của con, có có quyền ăn, quyền chơi một mình nhưng con nên chia sẻ với các bạn.
Cái gì không phải của mình thì không được tự ý lấy, nếu muốn sử dụng phải hỏi ý kiến, không được cầm đồ của người khác về khi chưa được sự đồng ý của họ…Hãy hỏi con xem con cảm thấy thế nào nếu các bạn cầm đồ chơi của con về mà không hỏi ý kiến của con? Chơi đồ chơi của con xong không dọn mà cứ thế đi về để con hoặc bố mẹ phải dọn…?
Khi con hiểu được cảm giác của mình trong những trường hợp ấy, con sẽ không muốn làm như vậy với người khác. Nếu có lần nào con lỡ cầm đồ của bạn về nhà, bố mẹ chỉ cần nhắc nhở lại những gì mình đã dạy con thì con sẽ biết nên cư xử thế nào cho đúng.
Phạm Nhung
Yeutretho/ Người Đưa Tin

(Link: http://www.yeutretho.com/mot-cay-keo-dang-gia-bao-nhieu-165891.ytt)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét