Thứ Ba, 21 tháng 5, 2013

Sách: Toward Creativity and Humanity

Mình đọc xong cuốn sách này và cảm thấy cần phải review 1 tí để khi cần là có ngay cái để xem. Phải nói thêm 1 chút là tại sao mình đọc cuốn này.

Khi mình đi tìm nhà trẻ cho Vi, mình tình cờ biết đến phương pháp Steiner và ngôi trường mà giờ Vi đang học. Hôm đó có vẻ cũng may rủi thế nào ấy, mình xin nghỉ nửa buổi để đi xem 3,4 trường nhưng trường thì mình tìm không ra, trường thì đóng cửa, thế là mình vào Thỏ trắng luôn, mặc dù dự định của mình là tìm hiểu thêm về phương pháp đã rồi mới tới. Mình gặp cô hiệu phó, rồi sau đó về nhà suy nghĩ, băn khoăn không biết nên lựa cái nào, rồi mình gặp cô hiệu trưởng và quyết định luôn. Từ đó mình có hứng thú với phương pháp Steiner và bắt đầu tìm hiểu thêm về phương pháp này. May mắn là mình có email với 1 phụ huynh ở trường này, và được bạn ấy cho mượn nhiều sách để đọc. Cuốn mà mình sắp review đây là 1 trong số đó, và còn là cuốn mỏng nhất và dễ đọc nhất :D

Theo phương pháp Steiner, sự phát triển của trẻ được chia theo các giai đoạn 7 năm, trong đó, 7 năm đầu được xem là nền tảng quan trọng, giống như gốc rễ của cây, giúp trẻ xây dựng ý chí, cơ thể và tâm hồn đều mạnh khỏe giúp trẻ có cơ sở tốt để phát triển về sau. Trong 7 năm đầu này, trẻ học hỏi chủ yếu qua sự bắt chước: trẻ xem và muốn làm cùng người lớn, trẻ bắt chước những việc người lớn làm trong các trò chơi của trẻ, không chỉ bắt chước hành động, trẻ còn bắt chước cả thái độ của người lớn khi thực hiện hành động. Khả năng bắt chước của trẻ trong giai đoạn này là cực kỳ to lớn. Do đó, người lớn phải tự thông suốt rằng mình là hình mẫu của trẻ, vì vậy, cần để ý đến hành động, thái độ của mình.

Trẻ 2 tuổi có đầu óc thực tế, không có khả năng tưởng tượng. Đến khoảng 3 tuổi, khả năng này cùng với khả năng suy nghĩ bắt đầu xuất hiện ở trẻ. Trẻ tầm 3 tuổi rưỡi rất năng động và hăng say trong các trò chơi theo tưởng tượng (fantasy play). Tuy nhiên, trẻ không chơi 1 trò lâu mà thay đổi liên tục. Đến 4 tuổi, trẻ chưa chắc về trò mình muốn chơi, trẻ sẽ quan sát những vật dụng có sẵn để tìm ý tưởng và đưa các vật dụng vào trò chơi, 1 trò chơi có thể kéo dài 15 - 20 phút. Trẻ 5 tuổi lại hoàn toàn khác, trẻ có sẵn ý tưởng trong đầu và có thể chơi 1 trò trong 45 phút. Trẻ 6 tuổi, bằng trí tưởng tượng của mình, có khả năng xây dựng cả 1 câu chuyện dài trong đầu.

Theo Steiner, creative và imagination là 2 điều cực kỳ quan trọng, vì làm theo khuôn mẫu là điều rất dễ còn làm với sự sáng tạo là điều khó hơn nhiều. Hơn nữa, thế giới phát triển là do sự sáng tạo và trí tưởng tượng, nhờ đó con người mới có sự phát triển không ngừng. Khả năng tưởng tượng và sáng tạo lại phát triển mạnh mẽ nhất trong 7 năm đầu đời. Bên cạnh đó, việc chơi đùa là cực kỳ quan trọng đối với trẻ. Trẻ phát triển thông qua chơi đùa, chơi là hoạt động nghiêm túc của trẻ, thông qua trò chơi trẻ sẽ phát triển các kỹ năng sống của mình. Vì vậy, dưới đây là các cách giúp trẻ chơi vui hơn, phát huy sự sáng tạo và tưởng tượng nhiều hơn:

1. Cho trẻ đồ chơi đơn giản nhất có thể, để trẻ phát huy khả năng của mình, trẻ sẽ phải tự tạo ra đồ chơi cho mình từ những vật đơn giản nhất. Những đồ chơi từ tự nhiên như đá, gỗ, vải ... tốt hơn là những đồ chơi từ nguồn tổng hợp. Với các đồ chơi đơn giản, trẻ sẽ rất năng động trong việc nghĩ ra cách chơi, tự tạo nên đồ chơi theo ý muốn.

2. Giảm tối đa việc xem ti vi cũng như các thiết bị nghe nhìn khác. Khi trẻ xem ti vi, trẻ tiếp thu sự tưởng tượng/sáng tạo của người khác và những điều này tác động không tốt đến khả năng sáng tạo của trẻ. Trẻ tiếp thu thụ động các thông tin đến từ bên ngoài, làm giảm khả năng tưởng tượng của trẻ cũng như giảm khả năng vui đùa của trẻ.

3. Để trẻ được thấy những sự việc thật sự (real work). Ngày nay, do sự phát triển của công nghệ và máy móc, trẻ ít khi được nhìn thấy sự việc diễn ra thế nào như may vá, nấu ăn, trồng trọt  ... những sự việc thật sự diễn ra xung quanh là nguồn ý tưởng to lớn cho các trò chơi của trẻ.

4. Tăng cường các hoạt động nghệ thuật: tô màu, ca hát, đọc thơ, sử dụng điệu bộ, cử chỉ. Ở các trường Steiner trẻ em dùng crayon từ sáp ong, hình dạng vuông cho trẻ nhỏ, crayon sáp ong sẽ ấm lên trong tay trẻ khiến trẻ cảm thấy ấm cúng, gần gũi.

5. Tạo cho trẻ sự nhịp nhàng trong hoạt động hàng ngày tại nhà trẻ và ở nhà. Ở các nhà trẻ Waldorf Steiner, 1 ngày bao gồm những hoạt động "hít vào" và "thở ra". Ngày bắt đầu bằng "thở ra" với các hoại động vui chơi trong nhà và ngoài trời, sau đó là "hít vào" khi dọn dẹp phòng và ngồi theo vòng tròn, nghe nhạc hay chơi các trò tập trung theo hướng dẫn của giáo viên. Buổi chiều trẻ lại "thở ra" với các hoạt động ngoài trời, sau đó "hít vào" khi ngồi nghe cô kể chuyện. Điều quan trọng là tạo cho trẻ một thời khóa biểu nhịp nhàng và thực hiện hàng ngày, sự nhịp nhàng trong các hoạt động "hít vào" - "thở ra"

Ở các trường Steiner, giáo viên thường kể chuyện cho trẻ nghe thay vì đọc truyện. Lý do là khi kể chuyện cho trẻ, người kể chuyện và trẻ không bị ngăn cách, cả 2 đều tham gia vào câu chuyện. Trong khi đọc truyện thì khác, trẻ sẽ chú tâm vào hình ảnh, người đọc cũng chú tâm vào trang sách và làm giảm đi sự liên kết giữa người đọc và người nghe. Cách đơn giản để kể chuyện cho trẻ là sử dụng những con rối. Và các câu chuyện được lặp lại hàng năm theo thứ tự nhất định, theo đó khi tới mùa đông trẻ sẽ biết mình sắp được nghe câu chuyện về lễ giáng sinh (chẳng hạn thế).

Tại các trường Steiner, trong 7 năm đầu đời, trẻ được dạy trên nguyên tắc "sự bắt chước" và trẻ học thông qua chơi. Việc học ngôn ngữ, đọc, viết sẽ bắt đầu muộn hơn so với các trường khác. Trẻ được giới thiệu các chữ cái khi vào lớp 1 một cách chậm rãi và khéo léo. Kể từ những năm ở nhà trẻ, trẻ sẽ được tiếp xúc với âm nhạc thường xuyên. Đến năm lớp 1, trẻ sẽ bắt đầu học chơi sáo và học đàn dây kể từ khi lớp 3. Bởi vì trẻ có học về âm nhạc sẽ tiếp thu các môn học thuật tốt hơn trẻ không học về âm nhạc.

Khi trẻ 13-14 tuổi, sự tưởng tượng của trẻ sẽ giảm dần và thay vào đó là khả năng suy nghĩ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét