Mẹ thấy bài này hay, nên sưu tầm lại cho con và ... mẹ. Mỗi người sẽ có cảm nhận khác nhau, mẹ chỉ mong con sẽ nhận thấy nhiều điều đáng suy nghĩ từ bài viết này.
Yêu con, luôn luôn yêu con!
---------------------
Em thương yêu,
Em ngồi xuống đây, anh kể em nghe
câu chuyện về nước Mỹ. Bây giờ là tháng 9, mùa thu. Những ngày này anh
đang theo dõi chiến dịch tranh cử tổng thống vốn đang vào giai đoạn cao
trào. Với internet, em có thể làm điều này ở bất kì đâu, nhưng việc đang
ở Mỹ đã cho anh một góc nhìn gần hơn, trực diện hơn. Để cuối cùng anh
nhận ra, điều làm anh xúc động không chỉ là câu chuyện về nước Mỹ, không
chỉ là việc anh không thể ngừng nghĩ về Việt Nam, mà là việc chúng ta
đang sống như thế nào, ngày hôm nay, với tư cách con người.
Em hãy ngồi xuống đây, cùng anh lắng nghe Đệ Nhất Phu Nhân của nước Mỹ kể chuyện.(*)
“Cũng như bất kì gia đình Mỹ nào, gia đình của chúng tôi đã không đòi hỏi nhiều.
Họ
không ghen với thành công của người khác hay quan tâm đến việc kẻ khác
sở hữu nhiều hơn họ... trên thực tế, họ khâm phục điều đó.
Họ
chỉ đơn giản tin vào lời hứa nền tảng ấy, rằng cho dù anh bắt đầu một
cách khiêm tốn, chỉ cần anh làm việc chăm chỉ và làm những điều anh cần
làm, anh hoàn toàn có thể xây dựng cho mình một cuộc sống tử tế và đem
đến những điều còn tốt đẹp hơn nữa cho con cháu của anh.
Đó là cách họ đã nuôi chúng tôi lớn... đó là những điều chúng tôi đã học từ cuộc đời họ.
Chúng tôi đã học về phẩm giá và sự tử tế
- rằng sự siêng năng của anh quan trọng hơn số tiền anh kiếm được, rằng
giúp đỡ người khác có ý nghĩa hơn việc chỉ chăm chăm vượt lên trước.
Chúng tôi đã học về lòng trung thực và liêm chính
– rằng sự thật là điều tối quan trọng, rằng anh không nên dùng đường
tắt hay hành động theo luật của riêng anh, và rằng thành công chỉ thực
sự có nghĩa khi anh đạt được nó một cách công minh chính trực.
Chúng tôi đã học về lòng biết ơn và sự khiêm nhường
– rằng mỗi người đều góp một phần vào thành công của anh, từ thầy cô
giáo đã truyền cảm hứng cho anh đến người lao công đã giữ cho trường lớp
sạch sẽ... và chúng tôi được dạy phải biết trân quý đóng góp của mỗi
người và đối xử tôn trọng với tất cả mọi người.
Đó là những giá trị mà Barack và tôi – và rất nhiều trong số các bạn – đang cố gắng truyền lại cho con cháu của chúng ta.
Chúng ta chính là như vậy.”
Ừ,
em ạ. Đó là họ. Đó là những giá trị đã xây nên đất nước họ, con người
họ. Còn chúng ta? Chúng ta là ai? Những giá trị nào đã tạo nên chúng ta
hôm nay? Những điều gì chúng ta muốn truyền lại cho con cháu?
Em hãy nghe Phu nhân Michelle kể tiếp:
“Và
tôi đã không nghĩ điều này là có thể, nhưng hôm nay, tôi yêu chồng mình
hơn tôi đã yêu anh 4 năm trước... hơn cả 23 năm trước khi chúng tôi gặp
nhau lần đầu tiên.
Tôi yêu cách anh không bao giờ quên anh đã bắt đầu như thế nào.
Tôi
yêu việc chúng ta có thể tin tưởng Barack, rằng anh sẽ làm những điều
anh nói, cho dù đó đều là những việc khó khăn – đặc biệt là những việc
khó khăn.
Tôi yêu việc đối với Barack,
không hề có sự phân biệt giữa “họ” và “chúng ta” – anh ấy không quan tâm
bạn là Dân chủ hay Cộng hòa hay không phải cả hai, anh biết tất cả
chúng ta đều yêu nước, anh luôn sẵn sàng để nghe những ý kiến tốt, anh
luôn tìm kiếm những điều tốt đẹp nhất từ tất cả mọi người mà anh gặp.
[...]
Cũng như bà ngoại của anh, anh
luôn đứng dậy và tiến lên phía trước... với lòng kiên nhẫn và trí tuệ,
với lòng dũng cảm và sự duyên dáng.
Và anh nhắc tôi rằng chúng
ta đang trên một con đường dài, rằng thay đổi là khó, rằng thay đổi sẽ
diễn ra chậm chạp, và rằng tất cả sẽ không bao giờ diễn ra cùng một lúc.
Nhưng cuối cùng chúng ta sẽ đến đích. Chúng ta luôn đến đích.
Chúng
ta đến đích vì những người như Cha của tôi... những người như Bà ngoại
của Barack... những người đàn ông và phụ nữ đã tự nhủ với lòng mình:
“Tôi có lẽ sẽ không có cơ hội đạt được ước mơ của mình, nhưng con tôi sẽ
làm được... cháu tôi sẽ làm được.”
Rất
nhiều người trong chúng ta đứng đây hôm nay bởi vì sự hy sinh của họ, sự
khao khát, và tình yêu kiên định của họ... bởi vì ngày qua ngày, họ gạt
qua một bên nỗi sợ hãi và nghi ngờ để thực hiện những điều khó khăn.
Và
hôm nay, khi những thử thách to lớn tưởng như bao phủ chúng ta – hoặc
thậm chí tưởng như không thể vượt qua - hãy đừng bao giờ quên rằng thực hiện những điều tưởng như không thể chính là lịch sử của đất nước này... đó chính là chúng ta với tư cách người Mỹ... đó là cách mà đất nước này được xây dựng nên. [...]
Nếu
những người nông dân và thợ rèn đã có thể dành được độc lập từ tay một
đế chế... nếu những người nhập cư có thể để lại đằng sau tất cả quá khứ
để xây dựng một cuộc đời tốt đẹp hơn trên đất nước của chúng ta... nếu
những người phụ nữ đã có thể chịu tù tội chỉ vì muốn dành được quyền bầu
cử... nếu một thế hệ có thể vượt qua khủng hoảng và dựng nên sự vĩ đại
của mọi thời... nếu một linh mục trẻ có thể đưa chúng ta lên đỉnh cao
với giấc mơ cao quý của anh... nếu những người dân Mỹ có thể tự hào là
chính họ và hiên ngang đứng cùng với những tiền nhân mà họ yêu quý...
thì chắc chắn, chắc chắn một điều rằng chúng ta có thể trao cho tất cả
mọi người trên đất nước này một cơ hội công bằng trước Giấc Mơ Mỹ vĩ
đại.
Bởi vì xét cho đến cùng, hơn tất cả mọi điều, đó chính là câu chuyện của đất nước này – câu chuyện của niềm hy vọng không nao núng và sự tranh đấu không nhượng bộ.”
...
Ừ,
em ạ, anh đã khóc. Anh đã khóc tu tu như một đứa trẻ lạc mẹ, như một kẻ
tìm đường gục xuống bên miệng vực đen ngòm, như Alex Supertramp đứng
nhìn dòng nước lũ ngăn mất đường về. Chúng ta đều là những con người.
Chúng ta cũng bắt đầu như họ, phải không em? Ông bà cố của chúng ta cũng
là những người nông dân, những người thợ rèn. Cha ông chúng ta cũng đã
thực hiện những điều tưởng chừng như không thể. Và rồi ông bà bố mẹ
chúng ta cũng đã nghiến răng cố gắng, hy sinh, khao khát... Nhưng em ơi,
nói cho anh biết, ở nơi đâu có câu chuyện Việt Nam? Ở nơi đâu có hy
vọng Việt Nam? Ở nơi đâu có giấc mơ Việt Nam?
Em ơi, hãy
khoan cho rằng những điều kể trên là trò mèo chính trị, hãy khoan cho
rằng anh ngây thơ và nực cười khi so sánh Mỹ và Việt Nam. Em biết anh
căm ghét chính trị đến mức nào, em biết anh là người hay nghi ngờ và có
xu hướng vô chính phủ ra sao. Anh đang không nói về chính trị, về chính
phủ, về ai sẽ thắng hay thua trên chính trường Mỹ, về ai sẽ được hay mất
trong những cuộc đấu đá ở Việt Nam. Anh đang nói với em đây, về chúng
ta, như những con người.
Em ơi, lần cuối cùng em được nghe
ai đó kể chuyện là bao giờ? Mẹ có còn kể những câu chuyện bên giường
ngủ cho em nghe không? Ba có còn kể cho em về những điều ba làm, những
người ba gặp? Và bà ngoại có còn kể chuyện cho em nghe thời cách mạng,
thời kháng chiến, thời bác Hồ? Và em có nhận ra rằng em lớn lên trong
một đất nước mà, trừ Bác Hồ trong đoạn video lịch sử khi Bác đọc Tuyên
ngôn Độc lập, còn lại em chưa từng được nghe một chính khách nào, một
con người nào đứng lên nói với em và với đồng bào em rằng, “Hỡi đồng bào
cả nước, mỗi người sinh ra đều có quyền bình đẳng, tạo hóa cho họ những
quyền không ai có thể xâm phạm được...”
Em lớn lên, em
nhìn xung quanh, em học và suy nghĩ, có bao giờ em nhìn thấy gì, nghe
thấy gì ngoài những băng rôn khẩu hiệu khoa trương trống rỗng, những lời
lẽ sáo mòn vô nghĩa, những bài học khô khan buồn ngủ? Em lớn lên, em
xem ti-vi và đọc báo, em có bao giờ thấy những con người béo tốt đang tự
giao cho mình trọng trách cầm lái con tàu đất nước dám đứng lên nói một
cái gì không cần cầm mảnh giấy, nói một cái gì không làm em buồn ngủ
hoặc buồn nôn, nói một cái gì mới mẻ trong suốt từng ấy năm? Và giả như
có lúc nào họ nói không dùng giấy, hoặc thậm chí nói với sự chuẩn bị kĩ
lưỡng trước khán giả nước ngoài, có phải em sẽ nhận ra ngay sự ngu dốt,
ấu trĩ, độc ác và chết chóc trong từng hơi họ thở? Làm sao em có thể mơ
đến việc họ có thể kể cho em nghe về những hy sinh mất mát của tiền
nhân, về những khó khăn đau khổ của hiện tại, về việc tiếp nối một
truyền thống nào và hướng đến một tương lai ở đâu. Không, họ không kể
với em gì cả. Họ luôn xuất hiện chớp nhoáng sau những chiếc mặt nạ rồi
nhanh chóng lủi đi mất.
Trên thực tế, đất nước mình từ rất
lâu đã không còn người kể chuyện. Ý anh là, những người kể chuyện mà
tiếng nói của họ có thể vang vọng đến từng căn nhà, từng ngõ phố. Những
kẻ xấu biết rõ sự nguy hiểm nếu em và mọi người được nghe kể chuyện. Họ
muốn ru em ngủ. Họ biết rõ rằng một khi em thức dậy, một khi chỉ cần một
phần nhỏ của chín mươi triệu linh hồn này thức dậy, đó cũng là ngày họ
tiêu vong. Họ không muốn để điều đó xảy ra. Họ truy bắt những người kể
chuyện, những người truyền cảm hứng. Bởi họ không thể chặn tất cả, họ để
cho những câu chuyện vồ chụp lấy em, nhưng đó lại là những câu chuyện
trụy lạc, những câu chuyện kinh dị, hoặc những câu chuyện đau thương.
Những câu chuyện đó hình thành trong em cảm giác kinh tởm, sợ hãi, bất
lực. Họ cố gắng để không một câu chuyện nào, một lời nói nào gợi lên
trong em niềm cảm hứng, lòng dũng cảm và sự quyết tâm. Họ không muốn tự
sát. Nhưng em đâu có muốn giết họ, phải không? Điều em muốn chỉ là giành
lại cho mình quyền kể chuyện và quyền được nghe kể chuyện.
Em
ạ, chúng ta đang ở trong một giai đoạn khó khăn, khi mà mọi điều đều
tưởng như không thể. Những lúc như thế này, một câu chuyện hay sẽ giữ
cho em hy vọng. Một câu chuyện hay sẽ kết nối hy vọng của em và hy vọng
của nhiều người. Nó giữ lửa cho chúng ta qua đêm đông dài này, như nó đã
từng đối với tổ tiên chúng ta trong hang động, trong chiến hào. Chúng
ta cần những câu chuyện hay để sống, để lớn lên. Không có chúng, chúng
ta như cây mất gốc, như người đi vô vọng trong sa mạc. Và anh tin, những
câu chuyện hay luôn tìm được con đường của mình, để đi đến đích. Những
linh hồn sống sẽ luôn tìm được nguồn hy vọng. Giống như em đang đọc câu
chuyện này, cùng anh.
Yêu thương em,
Bút Chì
(Bài viết của tác giả Bút Chì đăng trên facebook theo link như sau: http://www.facebook.com/notes/but-chi/k%E1%BB%83-chuy%E1%BB%87n-em-nghe-t%E1%BB%AB-n%C6%B0%E1%BB%9Bc-m%E1%BB%B9/10151024379175919)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét