Thứ Năm, 19 tháng 7, 2012

Ba năm đầu đời của trẻ

Cha mẹ thay đổi khi con thay đổi – Nhật ký hành trình 1.000 ngày

Trong 3 năm đầu đời của bé, cũng là 3 năm đầu tiên chúng ta được mang thiên chức làm cha mẹ, có những niềm hân hoan sâu lắng và cũng có những điều trăn trở tự nhiên, đặc biệt là đối với những ai lần đầu tiên làm cha mẹ. Ngày người phụ nữ mang thai, đến khi bé chào đời, cũng là ngày một thiếu nữ hoang mang bước vào khung cảnh làm mẹ, là lúc thay đổi về mặt tâm sinh lý, cách sống, cách suy nghĩ, cách quan tâm chăm sóc đối với những người xung quanh. Các ông bố vụng về lóng ngóng, bối rối với sữa bột, tã lót, dinh dưỡng, chăm sóc con…

Đây cũng là giai đoạn chúng ta trải qua những niềm vui sướng với không gian nho nhỏ, hãnh diện với những thành quả đầu đời của bé, những bước chân đầu tiên, những chiếc răng sữa đầu tiên, những tiếng nói ê a gọi ba, gọi mẹ… Và đây cũng là giai đoạn dễ mắc phải những thiếu sót mà đôi khi ta không nhận thức được.

Theo quan sát và nghiên cứu từ xã hội học, quá trình định hình nhân cách của một đứa trẻ luôn luôn đi theo giai đoạn 3 năm. Tuy nhiên, chúng ta thường hay nhớ đến các mốc 6 năm, khi con bắt đầu vào tiểu học, hay mốc 12 năm, con bước sang lứa tuổi teen cùng nhiều sự biến đổi về tâm sinh lý… Thế nhưng chúng ta lại quên đi giai đoạn 3 năm đầu đời, giai đoạn nền tảng để hình thành nhân cách.

Cũng như khi nhìn một tòa nhà, ta thường chú ý đến kiến trúc tổng thể, phòng ốc, thiết kế nội thất, ít khi nào ta nhìn vào nền móng bên dưới. 3 năm đầu đời là nền móng mà không ai nhìn thấy, tuy nhiên móng có vững thì ngôi nhà mới bền chắc với thời gian.

Có những điều không nói ra mà ai cũng biết

Chúng ta thường nghĩ trong giai đoạn 3 năm đầu đời bé chưa nhận thức được nhiều, chỉ biết ăn, ngủ và chơi. Chúng ta cũng chỉ mong đợi bé bú hết sữa, ăn giỏi, ngủ ngoan, khỏe mạnh, không bệnh tật. Bất kỳ cha mẹ nào cũng yêu thương con, và cố gắng để dành những điều tốt đẹp nhất cho con, trang bị những kiến thức để nuôi con từ nhiều nguồn khác nhau: từ sách báo, Internet đến kinh nghiệm của bạn bè, cha mẹ. Chúng ta để ý nhiều đến những chuyển biến về mặt thể chất cho con, dành cho con nguồn dinh dưỡng tốt nhất, sự chăm sóc tối ưu. Tuy nhiên, điều cần phải để ý nhiều nhất trong giai đoạn này, mà đôi khi chúng ta lại ít để ý đến, đó là việc xây dựng nhân cách cho con, dạy cho con những giá trị đạo đức, lối sống, cách cư xử của bé với những người xung quanh. Đặc biệt, đối với những gia đình sống chung với ông bà nội ngoại trong một gia đình có ba thế hệ, sức ép này lại càng lớn hơn, bởi việc giáo dục bé chịu sự tác động của tất cả các thành viên khác trong nhà. Ông bà dạy cháu bằng những kinh nghiệm trong quá khứ, còn chúng ta lần đầu tiên làm cha mẹ, kinh nghiệm ít hơn, kiến thức nuôi dạy con cũng ít, nhưng chúng ta đều muốn dạy con bằng cả trái tim, cho nên nhất định sẽ có sự lệch pha. Bất kỳ ai cũng muốn mang đến điều tốt nhất cho bé, và bọn trẻ con đôi khi rất biết cách lợi dụng tình thương yêu của người lớn, dẫn đến hệ quả là có khi người lớn lại cãi nhau vì bé, trường hợp này không hiếm thấy ở các gia đình. Điều này đòi hỏi ở những bậc cha mẹ phải khéo léo trong việc xử lý tình huống, tinh tế trong việc dung hòa giữa cái cũ và mới, giao thoa giữa cái xưa và nay trong việc giáo dục bé từ những tháng năm đầu đời.

Có những điều không nói ra thì không ai biết

“Trẻ em như búp trên cành
Biết ăn ngủ, biết học hành là ngoan”

Thời gian ba năm đầu đời, bé chủ yếu sinh hoạt trong không gian và môi trường gia đình. Mọi người đều kỳ vọng ở bé khỏe mạnh, thông minh, vui tươi, và ngoan ngoãn. Có bao giờ người lớn đưa ra định nghĩa như thế nào được gọi là “ngoan”? Với chúng ta, đôi khi “ngoan” chỉ là không cãi lại, biết vâng lời. Nhưng chúng ta ít biết được rằng khi ta nói và bắt em bé nghe lời, đó là ta đang tiêu diệt khả năng phản biện, khả năng tư duy độc lập của bé. Bé được phép tranh luận với bố mẹ, không được phép hỗn. Hỗn là đưa cảm xúc, cái tôi của mình vào để nói người kia sai. Tranh luận là nói điều mình đúng, bé đang tư duy và bảo vệ chính kiến của mình. Chúng ta cần phân định rõ ràng khái niệm ngoan, khái niệm không ngoan, đưa thành những tiêu chí, và người lớn cần phải dựa vào những tiêu chí đó, để bé tiếp nhận được nguồn thông tin đúng và đồng nhất.

Sự nhầm lẫn tai hại của thế giới hữu hình

Thế giới hữu hình, là những gì hiển hiện, có thể nhìn thấy, chạm đến, những điều có thể cân đong đo đếm được. Trong 3 năm đầu đời, chúng ta thường dành quá nhiều ưu tư, quá nhiều thời gian để lo lắng về thế giới hữu hình, nên cho bé ăn những thức ăn gì, uống loại sữa gì, cho bé đi chơi ở đâu, mặc loại quần áo nào… Điều mà chúng ta cần lưu ý nhất, đó là thế giới vô hình, là tính cách, nhân cách của bé, là tinh thần, tâm hồn, thái độ, nội tâm… thì phần lớn trong chúng ta lại vô tình quên đi. Chỉ khi nào có một hiện tượng bé đi chệch hướng khỏi nếp sinh hoạt bình thường, khi ta muốn chỉnh lại e rằng đã muộn…

Sức mạnh của thế giới vô hình

Ngay khi đặt ra câu hỏi “Chúng ta muốn con mình sau này sẽ trở nên như thế nào?”, các ông bố, bà mẹ trẻ đều nghĩ ngay đến những điều hữu hình, tôi muốn con mình thành bác sĩ, kỹ sư, nhà giáo, doanh nhân… Tất cả đều đúng, đều tốt đẹp, nhưng không hoàn toàn đúng với thời gian. Có bao giờ chúng ta nghĩ giống như nhà văn Sơn Nam: “Tôi muốn con mình trở thành người tử tế”, con mình lớn lên trở thành một người chính trực, trung thực, cho bản thân con, cho gia đình nhỏ, không gian nhỏ của con và cho xã hội. Còn chuyện con theo đuổi ngành nghề gì lại do sức học quyết định, do may mắn, do giáo dục, và phần lớn do cuộc đời tạo ra. Một ngôi nhà có thể chưa hoàn thiện, chưa khang trang như ý muốn, cũng như bản thân chúng ta ngày hôm nay có thể chưa hoàn thiện, nhưng tất cả đều tin rằng ta sẽ hoàn thiện chính mình trong tương lai. Quan trọng hơn cả là nền móng, là giá trị gia đình, là niềm tin, là nghị lực, nội lực bên trong mỗi con người, nó giúp chúng ta đứng vững, không khom lưng, không khuỵu gối, đó mới chính xác là điều chúng ta nên dạy cho con mình.

Trẻ lên ba, cả nhà tập nói

Một điểm rất quan trọng mà các gia đình cần lưu ý khi bé đang tập nói, là khi bé nói sai, chúng ta cần phải sửa cho bé, và sửa ngay lập tức, từng chữ một. Giai đoạn đầu tập nói, bé chưa có khả năng nói rõ ràng, tròn vành rõ chữ. Và phản ứng thường thấy ở các gia đình, khi em bé nói đớt thì cả nhà nói đớt theo. Bé không nói được chữ “con thương mẹ”, mà thường nói ngọng thành “con shương mẹ”, mọi người trong gia đình đều thấy rất đáng yêu, kể từ đó bất kỳ ai tiếp xúc với bé đều nói chữ “shương”. Kể từ đó, vốn từ của bé mất đi từ “thương” là từ đúng, ngay lập tức bé đã tiếp nhận vốn từ sai. Và khi chúng ta cho bé vốn từ sai thì khi lớn lên khả năng bé nói ngọng là rất lớn. Nghiên cứu khoa học cho thấy, em bé nào nói sai chữ, sai âm thì khi lớn lên khả năng thẩm âm giảm đến 50%, kỹ năng nghe không còn giỏi, tốt, tinh tế như những em bé khác, và khi bé học nhạc hay ngoại ngữ sẽ bị thua thiệt hơn nhiều so với những em bé được bố mẹ sửa cho ngay khi còn nhỏ.

Cha mẹ - làm thế nào để “Dạy con từ thuở lên ba”?

Nuôi con là một hành trình đầy thú vị, không có ngân sách, không có kế hoạch, mà tính bằng từng giây khi chúng ta ở bên cạnh con mình. Khi chúng ta có con, chắc chắn một điều là con sẽ theo ta suốt cuộc đời, dù con lớn đến thế nào thì vẫn là con của chúng ta. Với bản thân ta, ngay cả khi ta đã lớn, đã có gia đình và có tổ ấm riêng, bố mẹ vẫn xem ta như một đứa trẻ, vẫn thương yêu lo lắng cho chúng ta. Vậy chúng ta đã làm được gì cho con mình?
Bất kỳ bố mẹ nào cũng yêu con, và nên thể hiện tình cảm với con mình. Hãy yêu thương con theo cách mà chúng ta muốn được yêu thương. Không phải ai cũng biết cách bày tỏ tình cảm với con, nhưng hãy bắt đầu bằng hai cách: vuốt venói chuyện với bé. Chúng ta nhớ lại bài học nuôi con theo phương pháp kangaroo, ôm bé vào lòng, vuốt ve làn da bé, nắm tay bé, xoa lưng bé, xoa đầu bé, mân mê từng lọn tóc của bé… Bé sẽ cảm nhận được tình thương, cảm nhận được làn da của người thân thông qua xúc giác, hơi ấm tỏa ra từ thân nhiệt của cha mẹ, mùi hương cơ thể của mẹ… có khi bé sẽ ghi nhớ đến suốt đời. Nghiên cứu khoa học cho thấy trong 3 năm đầu tiên, việc va chạm thân thể và nói chuyện với con quan trọng gấp nhiều lần so với dinh dưỡng.

Sữa nuôi phần xác, hát nuôi phần hồn…

Những người mẹ bây giờ ít hát ru con, ôm con vào lòng và hát ru cho bé ngủ. Tất cả những điệu hát ru, kể chuyện, nói chuyện với bé để bé cảm nhận được âm thanh, ngữ điệu trong lời nói của bố mẹ. Trước khi cho bé ngủ, khi bé còn thức, chúng ta quay đầu lại và nói chuyện với con. Chúng ta có thể đọc truyện cho con trước khi ngủ, để ngữ điệu và cảm xúc của chúng ta sống thật với nhân vật. Chúng ta hãy tập cách nói chuyện với con, khi vui cũng như khi buồn, khi tâm trạng như thế nào đều có thể nói chuyện với bé, kể chuyện cho bé nghe, những việc chúng ta làm trong ngày, những điều chúng ta đã gặp trong cuộc sống… Có thể bé sẽ không hiểu được hoặc hiểu rất ít về nội dung câu chuyện chúng ta kể, nhưng điều bé cảm nhận được là tình cảm trong câu chuyện, là chất giọng của bố mẹ, là hơi thở, ngữ điệu, nhịp điệu, tốc độ của lời nói. Kết quả là vốn từ của bé tăng rất nhanh, khả năng thẩm âm cực kỳ tốt, và sự gắn bó, sự tin tưởng của bé với mẹ, với người thân trong gia đình, sau một tháng tăng lên đến 120%. Trong 3 năm đầu tiên của bé, thì tình cảm, sự nói chuyện, quan tâm chia sẻ, còn hơn cả thức ăn, sữa, dinh dưỡng. Sự tương giao của bố mẹ với con mình không chiếm nhiều thời gian, nhưng mang lại hiệu quả rất lớn, mà bố mẹ thường bỏ sót.

Có những điều không nói ra nhưng ai cũng muốn

Khi chúng ta tương tác với con mình, làm cho con cảm nhận rằng con không phải là nhân vật số một, không phải ông vua trong nhà, nhưng trên hết, bé sẽ cảm nhận được bé là người mà chúng ta tin tưởng. Khi chúng ta vuốt ve, nói chuyện với một ai đó, có nghĩa là chúng ta đang tin tưởng họ, và bé cũng cảm nhận được điều đó. Khi bé biết mình được tin thì hệ quả là bé sẽ tự tin. Khi chúng ta tin bé, nói chuyện với bé bằng lòng tin, ta quan tâm, chăm sóc, chia sẻ, yêu thương, tin tưởng bé, thì những giá trị đó sẽ ở lại bên trong bé. Tự tin là điều không thể mua hay vay mượn, và cũng không thể học được, mà nó nằm lại bên trong chúng ta, toát ra từ vẻ bên ngoài, qua ánh mắt, dáng đi, qua cách ta tiếp xúc với người khác, cách chúng ta sống và cư xử với môi trường xung quanh. Tự tin có thể đến từ kiến thức, từ mối quan hệ xã hội, có thể đến từ sức khỏe, nhưng cội rễ bên trong vẫn đến từ gia đình, mà phần lớn chúng ta thường bỏ quên. Khi bé ở nhà được bố mẹ thương yêu, được bố mẹ nói chuyện, quan tâm chăm sóc, vuốt ve, thì hãy yên tâm rằng bé sẽ tự tin bước ra cuộc sống bên ngoài. Chúng ta hãy cho con sự tự tin bằng nói chuyện với con, vuốt ve con, quan tâm, chăm sóc.

3 năm đầu tiên là giai đoạn định hình tất cả các loại hình tính cách: yêu thương, giận hờn, ganh ghét… Điều mà chúng ta ít biết, đó là giai đoạn này cũng là hình thành nhân cách. Điều tiên quyết trong việc định hình và hoàn thiện nhân cách, đó là thông qua sự TỰ TIN.

Khi ở nhà, chúng ta chăm sóc bé thông qua vuốt ve, va chạm, nói chuyện với bé, và khi đi ra ngoài xã hội, chúng ta xây dựng cho bé sự tự tin bằng việc dẫn bé theo mỗi khi đi chơi với bạn bè, khi đi siêu thị mua sắm, đến những nơi chúng ta cho rằng có thể đảm bảo an toàn cho bé. Để cho bé được tiếp xúc với người lạ, với môi trường lạ, với âm thanh lạ, từ đó bé sẽ có thêm thông tin, hình ảnh, hình khối, màu sắc, âm thanh, tự nhiên bên trong bé sẽ xuất hiện sự tự tin. Bé sẽ có trải nghiệm cuộc sống rất thú vị.

Khi chúng ta dạy con trong 3 năm đầu đời, chúng ta có để ý rằng con là hình ảnh phản chiếu chính xác hình ảnh của bố mẹ? Chính vì vậy khi dạy con, chúng ta chính xác hơn là đang dạy chính mình. Khi con gọi “ba ơi”, “mẹ ơi”, chúng ta thường trả lời “ừ”, hoặc “cái gì”, còn khi chúng ta gọi con, chúng ta chờ đợi bé nói chữ “dạ”. Từ đó đứa bé có 2 dạng phản ứng, khi chúng ta gọi bé thì bé sẽ trả lời “cái gì” thay cho “dạ”. Bé nào thông minh hơn thì ngay lập tức hình thành trong bộ não bé 2 dạng thông tin, từ trong vô thức bé đã hình thành nên sự đối phó, chúng ta đã vô tình dạy con nói dối.

Bé trong 3 năm đầu đời học qua thông tin rất ít, chủ yếu bé học qua hình ảnh và phản ánh chính xác những điều ta dạy cho bé. Vì vậy, khi bé gọi ba, gọi mẹ, điều hiển nhiên là bố mẹ cũng phải “dạ”. Lâu ngày sẽ trở thành phản ứng tự nhiên, bố mẹ nói chuyện với nhau cũng phải dạ, trước khi nói bất kỳ điều gì cũng phải có chữ dạ. Cũng như chúng ta lễ phép với ông bà nội ngoại, thì bé nhìn thấy sẽ tự động lễ phép với bố mẹ. Vì vậy bố mẹ cần phải thay đổi cách hành xử của mình, để có thể dạy bé sự LỄ PHÉP. Tự tin là giá trị của chính bản thân bé, còn LỄ PHÉP là giá trị của cộng đồng, kính trên nhường dưới. Để dạy cho bé tính lễ phép, ta chỉ cần cho bé nhớ 4 chữ: Cảm ơn – Xin lỗi – Đi thưa – Về chào. Ai cho con cái gì, ai làm cho con bất kỳ chuyện gì, con đều phải cảm ơn. Khi cảm ơn con phải nhìn vào mắt người khác, và nói cảm ơn bằng cả trái tim, nói dõng dạc, tròn vành rõ chữ, không phải lí nhí cúi đầu xuống đất. Nếu con làm sai bất kỳ chuyện gì dù là nhỏ nhất, con cũng phải xin lỗi. Cảm ơn và xin lỗi không làm mất đi giá trị của con người, nó chỉ làm cho chúng ta đẹp hơn. Từ đó có thể phát huy thành từng biểu hiện khác nhau, tùy theo văn hóa của gia đình, ví dụ như đưa cho người lớn phải đưa bằng hai tay, ăn cơm phải mời người lớn, đó là tùy theo từng gia đình, nhưng nền tảng của lễ phép nằm chỉ nằm lại ở 4 chữ Cảm ơn – Xin lỗi – Đi thưa – Về chào. Khi bé cư xử trong môi trường gia đình, môi trường nho nhỏ xung quanh, hàng xóm, bạn bè của bố mẹ, bé thực hành một cách nhẹ nhàng, duyên dáng, thật lòng, thì hãy yên tâm rằng khi bé bước ra ngoài cuộc sống bé sẽ không quá tự tin, cũng không quá rụt rè nhút nhát.

Bên cạnh đó, hãy giao cho bé những công việc nho nhỏ, phụ giúp bố mẹ và người thân trong gia đình, như giúp mẹ chuẩn bị bữa ăn, tưới cây trong vườn… để bé biết rằng bé có thể làm được. Nếu bé làm sai, hãy sửa cho bé, đừng quá khắt khe và làm cho bé cảm thấy nặng nề và bị tổn thương. Và một khi bé đã làm được, đã thành công thì chúng ta phải khen ngợi, ủng hộ, khuyến khích bé.

“Nếu con giỏi sẽ có người giỏi hơn con, nếu con giàu sẽ có người giàu hơn con, nhưng nếu con trung thực thì sẽ không có ai trung thực hơn con, vì bản chất của sự trung thực là trung thực.”

Điều cuối cùng chúng ta cần dạy cho bé trong giai đoạn 3 năm đầu đời, đó là sự TRUNG THỰC, mà phần lớn chúng ta quên điều này. Đây là khái niệm rất vô hình, mỗi người có một cách diễn dịch sự trung thực khác nhau. Bước đầu tiên, đơn giản nhất, chỉ là gọi tên đúng sự việc. Đúng nói đúng, sai nói sai, có nói có, không nói không. Thứ hai, nếu bé làm sai thì phải nhận, sai thì sửa. Có khi chúng ta không kiềm chế được cơn nóng giận và trách mắng bé, vì chúng ta kỳ vọng nơi bé quá nhiều, khi bé không như chúng ta mong muốn thì chúng ta trút hết sự bực tức lên đầu bé. Người lớn đã vô tình gieo vào đầu con trẻ hình ảnh của một “hung thần”. Người lớn chúng ta, ít ai để ý rằng chúng ta trưởng thành thông qua lỗi lầm của chính mình, qua những gì ta làm sai, để không phải làm sai nữa. Hãy nhẹ nhàng mỗi khi bé làm sai, để bé biết nhận lỗi và sửa lỗi, đó là cách giúp cho con sự trưởng thành. Hãy phân tích cho bé thấy điều gì là đúng, điều gì chưa đúng, để bé cảm giác bé là một phần của câu chuyện. Trung thực là câu chuyện chúng ta có thể lấy ra từ cuộc sống, từ cách cư xử hàng ngày, ta lấy ra để nói chuyện với con và dạy cho con.

Một biểu hiện khác của sự trung thực đó là giữ lời hứa. Với bé 3 tuổi, những trò chơi giải trí sẽ là chơi điện tử, đi công viên, những trò chơi trong khu vui chơi. Sự trung thực cũng có thể được giáo dục trong khi chơi. Luôn luôn đặt cho bé những câu hỏi, dạy con bằng những câu hỏi, để đặt ra giới hạn, và bé cần phải biết giới hạn của mình. Và khi hết giới hạn của mình rồi thì bé luôn luôn tìm cách mở rộng giới hạn. Chúng ta là người lớn, hãy là người đặt ra luật chơi, không nên nuông chiều theo ý muốn của bé. Một điều rất công bằng, hôm nay con muốn chơi trò này, mỗi trò được 2 đồng, hết không được xin thêm. Con muốn chơi 30 phút, muốn chơi nhiều hơn thì phải yêu cầu sớm hơn, bố mẹ tuyệt đối không nên nhượng bộ. Bé phải chịu trách nhiệm với lời nói, với hành vi của mình, điều này giúp hình thành nền tảng. Và nhất là khuyến khích bé không bỏ cuộc. Đã chơi thì phải chơi hết mình, không bỏ cuộc giữa chừng. Khi đã có nền tảng, khi lớn lên bé xin phép đi chơi với ai, ở đâu, mấy giờ về, thì bé sẽ tự giác tuân thủ theo giới hạn mình đã đặt ra.

Khi bé đã có sự tự tin, lễ phép và sự trung thực, khi trưởng thành bé sẽ biết không gây tổn hại cho bản thân, không gây tổn hại cho người khác. Đừng để ý quá nhiều về thế giới hữu hình, bao gồm ăn uống, quần áo, đồ đạc trong nhà, đồ chơi… Hãy chú trọng nhiều đến thế giới vô hình, bao gồm ý thức, nhân cách, quá trình định hình nhân cách quan trọng nhất là tự tin, lễ phép, trung thực. Bé có một năng lực để chơi, đón nhận những thông tin mới, khoảng không gian càng lớn. Với ba giá trị này thì bé sẽ đứng vững với thế giới bên ngoài.

Sau nền tảng 3 năm đầu đời, việc xây dựng tính tự kỷ luật bản thân sẽ dễ dàng hơn rất nhiều. Tính kỷ luật bản thân, có nghĩa sẵn sàng kìm nén ham muốn, không bộc lộ phản ứng nhất thời và suy nghĩ xem lợi hại, hệ quả của nó như thế nào. Những người kiểm soát được điều này sẽ thành đạt khi trưởng thành.

Hãy dạy cho con nói điều mình làmlàm điều mình nói.

Trong 3 năm đầu đời, chúng ta chỉ cần dạy cho con sự tự tin, trung thực, lễ phép. Lớn hơn nữa thì dạy con tự kỷ luật bản thân (4-6 tuổi). Khi đã dạy cho con về giá trị bản thân, khi có một kết quả xấu thì dạy lại không được, sửa điều đó là câu chuyện cực kỳ gian truân và đầy nước mắt. Thay vì sửa, chúng ta hãy gieo cho con từ lúc con nhỏ, lúc sinh con ra là bắt đầu nói chuyện với con, bắt đầu vuốt ve con đến năm 3 tuổi. Nếu chúng ta giữ được nói chuyện và vuốt ve mức độ giảm dần đi thì đã là một thành công cho gia đình.

Trong quá trình trưởng thành, hãy dạy cho con cách đón nhận những quan điểm trái chiều, xây dựng nhân cách cho con. Nuôi con là việc không hề đơn giản, dạy con là một hành trình gian truân đến suốt đời…

(transcript từ hội thảo Ba năm đầu đời)

(Sưu tầm từ facebook của Tou Péo tại http://www.facebook.com/notes/tou-p%C3%A9o/ba-n%C4%83m-%C4%91%E1%BA%A7u-%C4%91%E1%BB%9Di-c%E1%BB%A7a-tr%E1%BA%BB-hi%E1%BB%83u-%C4%91%E1%BB%83-y%C3%AAu-th%C6%B0%C6%A1ng/406546479383269)
-------------------

Túm lại là:
- Chú trọng việc xây dựng nhân cách cho trẻ
- Bày tỏ tình cảm với con bằng 2 cách: vuốt ve và nói chuyện
- Trong 3 năm đầu đời, hãy dạy bé:
    * Tự tin: tin bé, nói chuyện với bé bằng lòng tin, quan tâm, chia sẻ, yêu thương, cho bé tiếp xúc với môi trường lạ, người lạ
    * Lễ phép: dạy bé Cảm ơn - Xin lỗi - Đi thưa - Về chào. Sửa sai cho bé, tránh khắt khe với bé. Khen ngợi, khuyến khích bé khi bé làm được.
    * Trung thực: nêu đúng sự việc, sai phải nhận và sửa, phân tích đúng sai cho bé. Giữ lời hứa. Đặt ra giới hạn cho bé và làm đúng.
- Dạy con "nói điều mình làm" và "làm điều mình nói".

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét