Thứ Năm, 25 tháng 9, 2014

Giáo dục sớm

PHƯƠNG PHÁP DẠY TRẺ TỪ SỚM
XIN ĐỪNG NGỘ NHẬN!
Tháng 11 năm 2012, Minh Khuê và thầy giáo - nghệ sỹ Nguyễn Huy Phương lên kế hoạch luyện tập cho dự án biểu diễn “Hòa nhạc mùa hạ” sẽ diễn ra vào tháng 6/2013, mà trong đó, điểm nhấn là bản concerto dành cho piano mà Khuê là pianist. Thầy Phương đã rất cân nhắc để chọn cho Khuê một tác phẩm nổi tiếng của nhà soạn nhạc Mozad.
Tuy nhiên, sau hai ngày cân nhắc, Khuê trao đổi với mẹ: “Con sẽ đề nghị thầy cho con chọn một tác phẩm của Beethoven”. Tất nhiên là thầy hoan hỷ đồng ý. Và quả nhiên, đêm hòa nhạc ấy, với phần trình diễn trong vai trò pianist của Khuê đã rất thành công với bản concerto No 3 của L. V Beethoven. Sau đó, nhiều lần Khuê thường nói với mọi người một cách khiêm tốn rằng, vì bạn ấy cảm thấy hợp với âm nhạc của hai nhà soạn nhạc cổ điển là Beethoven và Chopin nhất trong số những tác giả mà bạn ấy từng được chơi tác phẩm của họ, mỗi khi được khen về thành công của đêm diễn.
Và, có sự trùng hợp thật thú vị, đó là một trong những điều kiện để được nộp hồ sơ nghệ thuật âm nhạc trong bộ hồ sơ Khuê apply vào trường đại học Harvard, thì Beethoven và Chopin là hai trong số (chỉ có) 6 tác gia cổ điển lừng danh mà hội đồng nghệ thuật Harvard yêu cầu thí sinh chọn tác phẩm của họ để trình diễn và gửi tác phẩm!
Mọi người, và bản thân bạn Khuê có thể cảm thấy điều bạn ấy nói rằng, bạn ấy hợp với Beethoven và Chopin là chuyện bình thường như là vẫn thế. Tuy nhiên, khi lần đầu nghe Khuê tâm sự điều này, mình đã nổi da gà vì xúc động, và càng thêm chắc chắn rằng, những gì mình tiến hành trong dự án “dạy con từ trong trứng nước” không còn là NIỀM TIN MƠ HỒ nữa, mà thực tế là một chứng nghiệm sâu sắc, xúc động và hoan hỷ đến trào nước mắt.
Trở lại thời kỳ mình mang bầu Khuê, tình cờ mình đọc được một cuốn sách, của một tác gia là cựu sinh viên Harvard, ông ấy khẳng định rằng, Harvard luôn theo đuổi triết lý “Học để phát triển tố chất chứ không phải vì có tố chất mới được học!”
Niềm tin được thuyết phục bằng những luận chứng khoa học về một sự trưởng thành toàn vẹn của thai nhi trong bụng mẹ; sự tương tác của đứa con trong bào thai với cảm xúc hoan hỷ hay buồn bã, bình tâm hay lo âu bồn chồn của người mẹ là thực tế; sự cảm thụ âm nhạc hay là những phản ứng tiêu cực với những âm thanh khó chịu của thai nhi là rất rõ ràng vân vân…. Khiến mình quyết đoán một tâm thế dạy con từ trong trứng nước – hay nói theo cách giản dị của dân gian là một tâm thế thai giáo cho bản thân.
Để bình an cho thai nhi, người mẹ phải dọn lòng để có được bình an, dù ngoại cảnh có thể là điều không như ý. Nhưng chỉ cần nghĩ về sự tác hại đến não bộ và hạnh phúc mãi mãi về sau của con là mình lại gượng dậy, vui vẻ, sống an nhiên. Dọn lòng không nghĩ đến sân hận, khổ đau; dọn lòng không màng đến danh lợi… sáng sáng mình hít thở trước ánh bình minh lên, niệm cái nhìn vào bức tranh Phật Bà và những Tiên Đồng an vui xinh đẹp mình để ở đầu giường. Mình không xem phim kinh dị, phim bạo lực hay phim diễm tình sướt mướt, mà tìm kiếm những sách, tạp chí tri thức thường thức để đọc và nghiên cứu…Ăn uống lành mạnh và đặc biệt tránh sát sinh để bình an tâm mình. Mình âm thầm và cặm cụi làm tất cả những điều đó với một tình yêu vô bờ với sinh linh bé nhỏ còn trong giai đoạn hình thành mong manh. Mình làm tất cả những điều đó, vì mình tin vào những hành vi hướng thượng được duy trì bền bỉ có đức tin mãnh liệt, chắc chắn sẽ mang lại những điều tốt đẹp, dù không ai cầm nắm, sờ mó hay nói theo ngôn ngữ hiện đại là không định dạng và định tính được những giá trị ấy!
Đồng thời với những việc ấy, mình tìm những tác phẩm âm nhạc mà mình yêu thích để nghe. Chọn đi chọn lại… qua một thời gian, mình nhận ra rằng, mình rất thích nghe Chopin và Beethoven. Tác phẩm của hai nhà soạn nhạc này được mình chọn nghe nhiều nhất, và có những giai đoạn dài khi mang bầu Khuê và suốt thời kỳ nhũ nhi của Khuê, trong ngôi nhà nhỏ của mình, chỉ thường vang lên âm nhạc của hai nhà soạn nhạc này.
Mình nhận thức được giá trị của tiềm thức trong giai đoạn giấc ngủ REM (giấc ngủ nông- là giai đoạn trẻ vừa mới ngủ hoặc là khi trẻ chuyển từ giấc ngủ sâu qua giai đoạn REM để tỉnh dậy). Đây là giai đoạn rất quý để trẻ hấp thụ những giá trị mà bạn muốn bồi đắp cho trẻ, vì đây là thời gian hoạt động mạnh của vùng não tiềm thức (khi ngủ sâu thì não hoàn toàn nghỉ, khi thức - não trẻ thường bị phân tán sự chú ý bởi nhiều tác động ngoại cảnh diễn biến liên tục)… Khi vùng não tiềm thức hoạt động mạnh, là lúc hình thành các giấc mơ, hay nhiều phát minh, sáng chế, phép giải của các nhà khoa học đã có được trong khi ngủ, thì chính là trong giai đoạn ngủ REM này, hoặc như hiện tượng mộng du, có những người làm được những điều kỳ tích như đi trên mái nhà mà không ngã… cũng xuất hiện trong giai đoạn ngủ REM, hiện tượng thôi miên để một người chưa từng cầm cọ bao giờ cũng có thể vẽ đẹp như họa sĩ, chơi đàn hay như nghệ sỹ vân vân… đều là hệ quả có được trong trạng thái giấc ngủ REM.
Do được thuyết phục bởi những luận chứng khoa học mình đọc được, mình thấy thật lý thú và vững tin cho con gái thưởng thức âm nhạc cổ điển từ thuở thai giáo, nhũ nhi rồi ấu nhi trong các giai đoạn ngủ REM hàng ngày của bé (ở trẻ nhũ nhi, giấc ngủ REM chiếm tới 50% thời gian ngủ). Việc lựa chọn hai tác gia hoàn toàn do tình cảm và sự hấp thụ của mình phù hợp và sở thích của mình. Tuy nhiên, phải sau 17 năm kể từ khi mình bắt đầu hướng dẫn con từ trong kỳ thai giáo, mình mới nhận được sự hiệu quả thần tiên và xúc động, khi con gái tâm sự: con thấy con thực sự phù hợp và khớp với âm nhạc của hai nhà soạn nhạc Beethoven và Chopin!
Đây là một biểu dụ, một ví dụ về sự nỗ lực chuẩn bị sớm và tiếm hành sớm một hành trình “dạy con sớm” của mình với một đức tin sâu sắc vào sự hướng thượng, về một năng lượng tích cực sẽ tác động, nâng đỡ và thúc đẩy, để bé yêu của mình có một sự khởi đầu đẹp đẽ, hạnh phúc, an vui mà không mơ hồ đến một thành tựu đào tạo thiên tài nào cả!
Xã hội hiện đang ngày càng nhiều những dự án mang tên rất mỹ miều “Phương pháp dạy trẻ sớm” với nhiều kỳ vọng để trẻ thông minh hơn, trở thành nhà toán học tài năng, học chơi đàn piano từ khi bé mới 2 – 3 tuổi, học làm thơ, học vẽ , làm toán, viết chữ vân vân… khiến cho nhiều mẹ trẻ không khỏi lo âu, bồn chồn và mất phương hướng!
Hiểu biết của mình về khoa học là, nhũ nhi từ 0 – 4 tuổi là giai đoạn quý báu để hoàn chỉnh não bộ. Trước khi tròn 4 tuổi, các vùng não bộ của trẻ chưa thực sự phát triển, hệ thần kinh trung ương còn non yếu… nếu cứ ép trẻ học cưỡng bức (ngồi viết chữ, làm toán, vẽ tranh, tập đàn…) là một hành động nguy hiểm cho hiện tại và tương lai của bé. Do hệ thần kinh và não bộ chưa sẵn sàng để làm việc theo dạng thức ép buộc… nó sẽ bị chờn và gây nên sự sợ hãi, lo lắng ở trẻ kéo dài trong những năm tháng cuộc đời tiếp sau. Tất nhiên, vì thế mà hiệu quả học tập rèn luyện của trẻ sẽ thấp hơn do bị mất hứng thú có tiềm thức trong giai đoạn ấu nhi!
Ở giai đoạn ấu nhi và nhũ nhi, một kịch bản kinh điển cho trẻ để tiến hành dự án “học sớm” đó là: QUAN SÁT – BẮT CHƯỚC cha/mẹ - vốn là những người trực tiếp nuôi dưỡng bé. Do đó, Người Thầy đầu tiên và vĩ đại nhất của bé, người sẽ hướng dẫn cho bé những bài học đầu tiên vào đời là cha mẹ với một cách thức tiến hành cũng rất kinh điển: LÀM GƯƠNG VÀ TRỰC QUAN SINH ĐỘNG.
Mình nhớ một câu chuyện rất xúc động thế này: Hôm ấy, là ngày nghỉ. Mình tổ chức cho con gái và bạn bè của bé lên vườn sân thượng để vui chơi. Mình dặn dò các bạn và con gái thế này: Các con vui chơi nhưng nhớ đừng bẻ cây, vặt lá cây nhé! Thế rồi, trong lúc chơi, có một bé trai (lớn hơn Khuê 4 tuổi) rất nghịch ngợm lén bẻ những cành cây. Lúc đó, mình nghe tiếng bé Khuê kêu lên thảng thốt: Anh ơi, nhựa cây tuôn như máu ứa kìa … và bé rơm rớm nước mắt. Mình vội chạy ra giải quyết “sự vụ” , dỗ dành Khuê để các bạn chơi tiếp.
Nhưng câu nói của Khuê khiến mình rất suy nghĩ: Vì sao bạn ấy không kêu lên: Anh ơi đừng bẻ cây mà mẹ em buồn? Cách của Khuê là đặt mối quan hệ giữa cậu bé đó với cái cây bị bẻ cành, vì bạn ấy nhận biết được cây cũng là một cơ thể sống, một cơ thể biết cảm nhận và không vô tri giác… Thông điệp bạn ấy muốn gửi tới cậu bé, đó chính là: Anh ơi, hãy thương cái cây, đừng làm đau nó!
Đây là kết quả của những lúc Khuê làm vườn cùng mẹ, bé quan sát cây bưởi khi mang trái, thì những chiếc lá đang xanh ngời bỗng đồng loạt trút xuống. Bé hỏi: vì sao lại như thế? Mình giải thích: đó là khi những trái bưởi - giống như những đứa con của cây bưởi đang lớn dần, thì cần nhiều dinh dưỡng để lớn, vì thế cây bưởi hiểu rằng, nó cần phải trút bớt lá đi để dồn dinh dưỡng cho trái bưởi lớn lên!
Hình ảnh về “nhựa cây tuôn như máu ứa” được Minh Khuê dùng để nhắc nhở cho người anh họ của bé về thái độ biết trân trọng với những cây trồng, khi ấy bé chưa tròn 4 tuổi!
Con đường và hành trình “dạy sớm” cho con của mình chỉ là những việc đơn giản thế. Chỉ là việc mình đơn giản hiểu sâu sắc một biểu dụ rằng: Trẻ là một tạo tác của Mẹ Thiên nhiên vi diệu nên con đường hành trình dẫn dắt trẻ vào đời là một hành trình “Tự nhiên như nhiên” – hãy hành động hợp với tự nhiên. Ngẫm kỹ hơn lời của dân gian mộc mạc mà thâm sâu vô cùng: “Uốn cây từ thuở cây non/Dạy con từ thuở bé còn ngây thơ…” . Mình quan sát đến sự trỗi dậy của một sự sống thực vật: bắt đầu là hạt – rồi qua thời kỳ mầm – qua thời kỳ chồi – rồi đến thời kỳ cây non… Bằng trải nghiệm, loài người thấu hiểu rằng, ở giai đoạn hạt – mầm – chồi thì chưa thể uốn được, mà phải kiên nhẫn đợi để đến giai đoạn “cây non” mới uốn! Nếu bạn duy ý chí, thiếu hiểu biết, cứ cố tình uốn, thì mầm và chồi sẽ gãy vì nó còn quá mong manh, yếu ớt, chưa có độ dẻo và dai để chịu đựng sự uốn nào! (Bạn hãy thử cùng bé yêu ươm hạt mầm và quan sát xem có đúng thế không nhé, vì đây là con đường mình và Minh Khuê thực hành rất nhiều lần, và lần nào cũng hoan hỷ xúc động quan sát sự thay đổi mỗi ngày của sự sống từ hạt - đến cây)
Thời thơ bé của cuộc đời cũng vậy, trong giai đoạn hạt (bào thai) – mầm (nhũ nhi) – chồi (ấu nhi) cách đồng hành với con của cha/mẹ cần thiết đó là tạo một môi trường tốt nhất có thể, cha/mẹ thực hành làm gương, trực quan sinh động và trẻ có cơ hội để quan sát và bắt chước. Bạn sống hoan hỷ, trẻ sẽ nhậy cảm để nhận thấy điều đó trong mắt bạn. Bạn buồn hay vui trẻ nhận thấy rõ hơn bạn tưởng. Đây là điều lý giải: vì sao có những người có tính xấu, tật xấu, tuy không bộc lộ trước mặt trẻ… nhưng đứa trẻ dứt khoát không theo người đó, thậm chí khóc thét lên, hốt hoảng khi thấy người đó.
Bạn phải nương và dựa và men theo sự nhậy cảm, tập tính thích quan sát và bắt chước của trẻ, để bồi đắp cho trẻ những hiểu biết về thế giới xung quanh, bồi đắp sự nhậy cảm tinh tế với những hành vi biểu cảm phi ngôn từ, (ngôn ngữ body) kiểu như: con chó nhà mình, khi mẹ về nó vui, nó ngoắt đuôi; khi bị mẹ mắng, nó cụp đuôi trốn mất! Rồi, quả táo chín thì đỏ, nhưng quả đu đủ chín lại vàng ươm; quả na chín thì ngọt sao quả chanh chín thì chua đến rùng mình hả mẹ? Ông mặt trời trùm chăn ngủ thì trời tối, còn khi ông ấy bật bếp ga nấu ăn thì nóng nhất ngày, mẹ nhỉ?
Thế giới xung quanh bé thật kỳ diệu và nhìn thấy cái gì bé cũng bật lên câu hỏi: Vì sao? Thế nào? Bao Giờ? Ở đâu… Bé hỏi là bé đang học đấy, một sự học nghiêm túc và thiêng liêng hơn bất kỳ sự học nào về sau suốt cả cuộc đời… Nhưng tiếc thay, phần nhiều cha/mẹ đã bỏ qua cơ hội cho bé bài học thú vị, vì cho rằng đó là những câu hỏi vô bổ, nhạt nhẽo, tầm phào! Tiếc làm sao!
Thay vào đó, bé được cha/mẹ (và đội ngũ hỗ trợ các dự án triển khai phương pháp dạy trẻ sớm, phát hiện tài năng sớm vân vân ngày càng hùng hậu) dự kiến xếp vào những lớp học, những dự án học sớm, giáo dục trẻ sớm với những kỳ vọng khó hiểu làm sao: Dạy trẻ viết chữ sớm, dạy trẻ biết đọc sớm, dạy trẻ chơi đàn sớm, dạy trẻ vẽ sớm vân vân…
Mình cứ ngẫm nghĩ hoài mà xót xa quá! Rằng khi trẻ chưa được quan sát sự dồi dào về mầu sắc diệu kỳ ngoài thiên nhiên, sao mà trẻ biết vẽ sắc mầu như thiên nhiên? Khi mà trẻ chưa được bồi đắp âm nhạc trong tâm hồn, sao mà bắt trẻ chơi những nốt nhạc vô nghĩa? Khi mà trẻ chưa được đắm mình trong chim muông, cây cỏ, những bạn bè thỏa thê, sao mà bắt trẻ phải học những ký tự - thứ được sinh ra để mô tả/ mô phỏng cuộc sống thực đang diễn ra sinh động/phong phú thế kia?
Thay vì dạy trẻ vẽ hoa, hãy cho trẻ được đến bên bông hoa trong vườn thiên nhiên thơm ngát! Thay vì bắt trẻ phải ngồi luyện ngón khi mới 3-4 tuổi, hãy cho trẻ nghe những bản nhạc du dương của chim chóc, khe suối hay những bản nhạc cổ điển êm đềm! Thay vì yêu cầu trẻ viết chữ “mẹ” hãy ôm lấy trẻ, nhìn vào mắt bé và bạn sẽ được nghe bé gọi tên “mẹ” âu yếm xúc động đến nghẹn ngào!
Thế đấy, bằng những hiểu biết và tràn đầy thương yêu, mình đã khởi động một dự án “giáo dục Minh Khuê sớm” như vậy và nhận lấy cái thuở nhũ nhi, ấu nhi của Minh Khuê thật ngọt ngào, nhiều say đắm cho trái tim người mẹ; bồi đắp cho Khuê nhiều phẩm chất về óc quan sát trực quan sinh động, bồi đắp sự nhậy cảm và tinh tế vốn là thiên bẩm của trẻ th, và may mắn không để phẩm chất này bị mài mòn bởi một lối giáo dục sai lệch, áp đặt. Đây là cơ sở dồi dào cảm hứng và chất liệu để Minh Khuê của mình bước vào học âm nhạc và hội họa (khi bước vào tuổi thứ 5) được thầy đánh giá là tràn đầy nhạc cảm bẩm sinh; hay nhậy cảm sắc mầu và nhiều lợi ích khác nữa mà không thể đo và đếm bằng định lượng và định tính được!
Minh Khuê của mình không tham gia bất cứ lớp học hay dự án “giáo dục trẻ từ sớm” áp dụng phương pháp từ bất cứ nhãn hiệu quốc gia tiên tiến nào? Bởi bài học và “khóa học’ đầu tiên con gái cần được nhận đó là một tình yêu vô bờ - tỉnh thức – và bền bỉ của mẹ! Và khi “tốt nghiệp” bé không có chứng chỉ gì, chỉ đơn giản là niền hân hoan và một khả năng quan sát tinh tế về thế giới xung quanh, sự nhậy cảm và tràn đầy sống động!

(Bài chia sẻ của cô Hải Âu - mẹ em Minh Khuê trên facebook theo link: https://www.facebook.com/longchaucusy.ho/posts/543482345797535:0)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét