Thứ Bảy, 21 tháng 9, 2013

Trung thu của con

Mẹ đã gián đoạn blog lâu quá, thật ra trong hơn tháng qua có rất nhiều điều hay cần lưu lại, nhưng cứ bận, rồi qua, rồi muốn viết cái mới thì cứ muốn phải viết bù cái cũ trước để đi theo mạch thời gian, cứ thế rồi khất mãi đến 1 lúc thì khất nhiều quá, trả không kịp nữa nên quyết định viết cái mới cho kịp tình hình thực tế, rồi lúc nào tiện sẽ update những điều đã lỡ.

Trung thu năm nay công ty mẹ không tổ chức văn nghệ nữa, trời thì mưa suốt nên chẳng thấy trăng đâu cả. Coi như chẳng có trung thu gì. Vậy mà hôm nay cả nhà mình lại được tham dự tiệc trung thu rất vui với các cô chú, các bạn.


Bảng trang trí và trái cây đây, bánh kem là mừng sinh nhật bạn Ken nhà cô Vân Anh đấy!


Cả nhà tập trung để chuẩn bị khai mạc và xem ảo thuật. Lúc này mới đến Vi vẫn còn lạ nên chỉ ngồi với mẹ thôi, chưa chịu nói chuyện hay chơi gì cả, đến cả lấy đồ chơi cũng phải rủ mẹ đi cùng.


Bác ảo thuật gia nè, lúc biểu diễn ảo thuật thì con sợ, khóc, thế là mẹ phải ẵm ra xa, nhưng con cũng vẫn sợ, lâu lâu có nghía 1 tí nhưng vẫn ôm chặt lấy mẹ.

Bữa nay Vi ăn cũng khá, ăn hết 1 chén cháo, ăn bánh su kem, kẹo, nhãn, xoài ... và cả bánh kem nữa. Ăn rất tốt luôn. Phải đến 2/3 thời gian thì con mới thấy thoải mái hơn, tự  mình đi vòng vòng và kiếm đồ chơi, nhưng vẫn chưa chơi chung với bạn nào, chủ yếu là tự chơi 1 mình.


Đây là hình cuối buổi tiệc. Tất cả mọi người đều có 1 bữa tiệc rất vui, rất ấm cúng, còn các con cũng có 1 trải nghiệm thật đáng quý.

Dù không có bánh trung thu, lồng đèn hay trăng sao nhưng trung thu năm nay thiệt là tuyệt vời.

Hôn con!

Thứ Năm, 12 tháng 9, 2013

Một cây kẹo đáng giá bao nhiêu?

 Mình đọc bài này thất rất thích, vì nó vừa gần gũi lại thực tế. Bản thân mình hồi nhỏ tới nhà bạn chơi cũng cầm đồ về, thấy thích nên cầm thôi chứ không hiểu ăn cắp/ăn trộm gì. Giờ đọc bài này thấy những việc này xảy ra như cơm bữa mà có khi mình cũng xử trí không thỏa đáng.


 “Bé lấy đồ người khác là rất bình thường!”
Với bố mẹ, vất vả kiếm tiền là vì ai- tất nhiên là vì bé rồi, nhưng bé có hiểu điều đó không? Bé có biết bé giàu như thế nào không? Thưa không, bé là một người vô sản. Khái niệm sở hữu của bé rất đơn giản: cái gì trong tầm mắt, tầm tay bé là của bé. Sử dụng như thế nào, định đoạt nó ra sao là quyền của bé. Chính vì vậy, việc bé mang đồ của người khác về nhà là việc rất bình thường. Bé chưa có khái niệm thế nào là ăn cắp hay ăn trộm- đó là khái niệm của người lớn, còn với bé đơn giản chỉ là “của mình thì mình mang về thôi”.
Khoảng trước 2 tuổi, bé chưa hiểu về luật nhân quả, chưa hiểu thế nào là của mình, thế nào là của bạn, bố mẹ không nên cố giằng bằng được đồ trong tay con để trả cho chủ của nó, cũng đừng quát mắng hay thuyết giảng vì lúc đó có nói con cũng chưa hiểu. Bố mẹ làm như vậy chỉ làm tổn thương con thôi. Con sẽ rất buồn và có cảm giác mất mát, bất lực khi bị tước đoạt mà con không thể kháng cự nổi.
Bố mẹ đang muốn dạy con không được lấy đồ của người khác nhưng hành động của bố mẹ lại khiến con hiểu rằng bố mẹ đang lấy đồ của con cho người khác. Vậy bố mẹ nên làm gì?
Trẻ con rất nhanh quên, nếu có thể, bố mẹ hãy cứ cho con cầm đồ đó về, lúc khác con chán, bố mẹ mang trả đồ cho người ta. Nếu phải trả cho họ ngay lúc đó, bố mẹ hãy phân tán sự chú ý của con sang một cái khác hoặc lấy một đồ vật khác bắt mắt và hấp dẫn hơn để đổi lấy món đồ trong tay con…

 “Nếu con không cho bạn kẹo, bố mẹ sẽ không mua cho con nữa!”
Còn với những thứ của con thì sao như kẹo/ bánh hay đồ chơi chẳng hạn? Bố mẹ muốn con chia cho các bạn nhưng con chưa sẵn sàng thì sao? Liệu bố mẹ có trách mắng con rằng “một cái kẹo có đáng kể gì, con có bao nhiêu cơ mà, cho bạn một cái đi. Nếu con không cho bạn lần sau bố mẹ không mua cho con nữa…” và rất có thể, bố mẹ sẽ giằng lấy rồi tự tay chia kẹo cho bạn của bé?
Hành động này của bố mẹ cũng không khác gì hành động trên, đều là lấy đồ của bé. Bố mẹ làm như vậy, càng làm bé giữ chặt đồ hơn, càng không muốn chia sẻ với người khác.
Trong trường hợp đó, thay vì đưa cả gói kẹo cho con, bố mẹ hãy tự tay chia kẹo, hãy đưa cho con trước rồi đưa cho bạn và nói “kẹo rất ngon, con một cái, bạn một cái, chúng mình cùng ăn chung thật là vui…”. Bố mẹ cũng có thể vừa chia kẹo/ bánh vừa đọc bài thơ “Chiếc bánh ăn một mình, chỉ ngon một nửa thôi, bẻ đôi ra mời bạn, ăn vừa ngon vừa vui”.  Đó là một cách nhẹ nhàng để dạy con biết chia sẻ.
Nếu con có một cái kẹo và chẳng may bị rơi mất, con đang rất buồn và tiếc nên con khóc. Liệu bố mẹ có quát mắng “tại con không cẩn thận nên làm rơi. Lần sau con phải cầm chắc vào. Rơi rồi thì thôi, hôm khác bố mẹ sẽ mua cho hẳn một gói…?”. Nói vậy rồi mà con vẫn không nín. Bố mẹ lại càng cáu hơn và nói “sao có mỗi một cái kẹo mà con khóc gì mà khóc lắm thế…?”.
Trong trường hợp đó, bố mẹ thay vì quát mắng, hãy an ủi và vỗ về bé, hãy cho bé có cảm giác bạn đang đồng cảm với bé “ôi, tiếc quá, kẹo bị rơi mất rồi, bố mẹ đưa con đi mua cái khác nhé, con thích kẹo gì nào, kẹo cam hay kẹo dâu…” hãy cố gắng làm phân tán sự chú ý của bé vào cái kẹo đã mất và chuyển sang chủ đề khác, con sẽ quên ngay và vui vẻ trở lại.
Cha mẹ cũng có thể để bé không gian và thời gian để trải nghiệm nỗi buồn của sự mất mát, bởi sức mạnh của khoảng trống sẽ làm bé trưởng thành và sâu sắc hơn.

Giúp con hiểu về quyền sỡ hữu
Khi con đã hiểu về luật nhân quả, bố mẹ hãy dạy con về quyền sở hữu. Cái gì là của con, cái gì là của bạn. Của con, có có quyền ăn, quyền chơi một mình nhưng con nên chia sẻ với các bạn.
Cái gì không phải của mình thì không được tự ý lấy, nếu muốn sử dụng phải hỏi ý kiến, không được cầm đồ của người khác về khi chưa được sự đồng ý của họ…Hãy hỏi con xem con cảm thấy thế nào nếu các bạn cầm đồ chơi của con về mà không hỏi ý kiến của con? Chơi đồ chơi của con xong không dọn mà cứ thế đi về để con hoặc bố mẹ phải dọn…?
Khi con hiểu được cảm giác của mình trong những trường hợp ấy, con sẽ không muốn làm như vậy với người khác. Nếu có lần nào con lỡ cầm đồ của bạn về nhà, bố mẹ chỉ cần nhắc nhở lại những gì mình đã dạy con thì con sẽ biết nên cư xử thế nào cho đúng.
Phạm Nhung
Yeutretho/ Người Đưa Tin

(Link: http://www.yeutretho.com/mot-cay-keo-dang-gia-bao-nhieu-165891.ytt)

Thứ Tư, 11 tháng 9, 2013

Đừng can thiệp quá sớm

Trích từ bài viết của chị Ái Liên tại facebook group Cha mẹ tuyệt vời (link: https://www.facebook.com/groups/chametuyetvoi/doc/651044284920451/)


Cha mẹ thường hay cấm anh/chị đánh em nhỏ, và thế là em nhỏ cứ tha hồ mà "quậy" anh chị lớn. Cha mẹ cũng ép anh chị lớn nhường cho em. Vậy có công bằng không? có giúp ích cho cả 2 anh/chị và em không?

1- Hãy để cho con cái "tự xử", thậm chí đánh nhau, đừng xen vào, nhưng phải quan sát để hiểu rỏ ngọn nguồn lỗi phải và nếu có dấu hiệu nguy hiểm thì can thiệp ngay.2- Sau khi thấy không có dấu hiệu nguy hiểm, và không có đứa con nào mách điều gì, làm ngơ luôn.3- Nhưng nếu có một hoặc cả hai khóc lóc đòi xử thì xử theo lý lẽ. Đánh phá quậy là sai, ai làm cũng sai. Vậy thì ai đánh trước thì sai, người đánh lại cũng sai. Hãy giải thích, người đánh trước sai thì mình phải tránh hoặc mét bố mẹ. Mình đánh lại thì mình cũng sai luôn.4. Phạt người đánh dù là trước hay là sau.

Hãy để cho em bị anh chị đánh khi em quậy phá anh chi, để em học bài học kinh nghiệm không quậy phá người khác. Nếu cứ buộc anh chị nhường em, em sẽ không hiểu được hậu quả của việc quậy phá người khác, thì khi đi học hoặc chơi với bạn, em sẽ quen thói và quậy phá người ta, em sẽ bị đánh đau hơn. Lúc đó cha mẹ đâu có mặt ở đó để theo dõi và can thiệp.

Nếu cha mẹ cứ buộc anh chị nhường em, sau đó dỗ dành anh/chị "em sai, bố mẹ thương con" thì anh/chị sẽ thấy thích thú vì được dỗ dành là "mình đúng, em sai, bố mẹ thương mình hơn". Vậy là anh chị không còn ý thức biết tự bảo vệ mình, và tiềm thức anh/chị sẽ cứ để cho em đánh. Anh/chi không đánh lại vì không phải vì nghe lời khuyên của bố mẹ, mà sự thật là vì "phần thưởng" được bố mẹ dỗ dành. Khi ra đường anh/chị không có thói quen hay kỹ năng tự bảo vệ hoặc phản kháng, về nhà lại được bố mẹ dỗ dành . . . càng ngày anh/chị sẽ ngày càng yếu ớt và dể bị bắt nạt hơn. 

Đừng ép con chào hỏi

Trích từ bài viết của chị Ái Liên trên facebook của group Cha mẹ tuyệt vời (link: https://www.facebook.com/groups/chametuyetvoi/doc/651045428253670/)

Mình quan sát và thường xuyên thấy cảnh cha mẹ Việt Nam ép con chào hỏi người lớn khi đi ra đường. Khi ép con nói chuyện với khách không được thì chê bai ngay tại chổ. 

Thường xuyên như vậy thì con sẽ bị ám ảnh cái khó chịu của bị ép buộc và chê bai, và bé sẽ ngày càng nhút nhát khi đi ra ngoài và gặp người lạ.

1- KHÔNG ép con chào hỏi
2- Khi rãnh rỗi hãy giải thích cho con lễ nghĩa là nét đẹp của văn hóa, và con người hơn con vật ở chỗ chúng ta biết giao tiếp và có văn hóa
3- Hỏi con "thế con có muốn làm người văn minh không?"
4- Nếu bé nói "không" thì khi gặp khách xin lỗi khách "Xin lỗi, tôi đã giải thích & thuyết phục nhưng con tôi chưa có ý thức chào hỏi, mong chị/anh tha thứ"
5- Tiếp tục kế chuyện, đọc sách, xem phim để chỉ cho bé thấy ích lợi của chào hỏi
6- Khi bé đồng ý và muốn là người văn minh thì hỏi bé
"thế con muốn bố mẹ hỗ trợ không?" Nếu bé gật đầu thì nói "vậy mỗi lần gặp khách, bố mẹ chào trước rồi con chào theo lời bố mẹ nhé"
7- Nếu mình làm như vậy mà bé không làm theo thì TUYỆT ĐỐI KHÔNG CHÊ BAI, hãy khuyến khích "KHÔNG SAO, LẦN SAU CON SẼ LÀM ĐƯỢC MÀ"


Người ta chỉ làm cái gì người ta thấy thích thú và có lợi cho chính họ thôi. Mưu cầu hạnh phúc là nhân quyền căn bản. Hãy tôn trọng hạnh phúc của con, và từ đó giúp bé vui vẻ và giao tiếp tốt.