Thứ Hai, 29 tháng 7, 2013

Chuyện lớp trưởng của con trẻ ở Đức

CHUYỆN "LỚP TRƯỞNG" CỦA CON TRẺ Ở NƯỚC ĐỨC
Bài dưới đây được anh Trần Đình Ngân viết nhân khai giảng năm học 2009 - 2010, bài viết không phải là mới nhưng những điều mà bài viết gợi mở vẫn thật bổ ích với các bậc phụ huynh, các nhà giáo dục. Xin trân trọng giới thiệu đến bạn đọc.

Tôi có cháu gái đằng vợ tên là Thanh Hòa. Từ ngày học mẫu giáo, cháu vốn khỏe mạnh, cứng cáp và thông minh. Khi cả bọn cùng lứa với kéo nhau lên lớp 1 trường Phan Phù Tiên, quận Thanh Xuân (Hà Nội), Hòa đương nhiên vẫn là đầu đàn, là lớp trưởng.

Gặp nhau năm Hòa lên lớp 2, vẫn với thành tích học tập tốt, vẫn lớp trưởng, quà thưởng dịp đó rất to. Vui chuyện, hỏi cháu về nhiệm vụ lớp trưởng, Hòa bẽn lẽn: nào hô các bạn đứng dậy chào thầy cô, nào lo trực nhật, lau bảng, nhắc các bạn giữ trật tự trong lớp... nhiều lắm!

- Thế khi gặp các bạn ẩu đả, nghịch ngợm, chế giễu nhau ngoái lớp thì làm sao? - bố Hòa hỏi chen vào.

- Thì báo cho cô chủ nhiệm biết, ạ.

- Thế lớp trưởng mắc khuyết điểm, có bạn nào mách cho cô giáo không?

- Có mà dám!

Nghe cháu trả lời, cả nhà nhìn nhau, lặng người, cười.
*
Phương Hiền, con gái tôi, học lớp 2 trường Friedrich-Reimann-Grundschule. Cô chủ nhiệm là bà giáo R.Lipka.

Đã vài lần gặp gỡ nên tại buổi họp phụ huynh đầu năm, từ ngoài cửa, bà đã tươi cười chào: “Lần này, ông có ý kiến gì góp cho lớp đây? Chúng ta có một giờ để trò chuyện cơ đấy!”.

Khi đến lượt trao đổi trực tiếp, tôi hỏi: “Thưa bà, lớp 2A, cháu nào được chọn là lớp trưởng?” (cũng phải nói thêm do khả năng tiếng Đức mà tôi đã dùng từ “lớp trưởng” theo nghĩa hiểu của tiếng Nga, hoặc tiếng Hán Ban trưởng mà người Việt ta lâu nay vẫn hay dùng).

Thoáng một chút trầm ngâm, bà R.Lipka vui vẻ nói: “Tôi nghĩ là tôi đã hiểu câu hỏi của ông. Vì qua Phương Hiền được biết, ông từng là một đồng nghiệp. Lớp chúng tôi không có học sinh nào được chọn làm Obmann hay Chef cả. Ở tuổi cấp một, chúng còn quá bé để phải chịụ thêm trách nhiệm về hành vi của một bạn khác, dù chỉ là nhắc nhở hoặc để ý rồi trình báo với thầy cô. Nếu phải chịu trách nhiệm thêm về một bạn khác, đứa trẻ dễ ngộ nhận nó có thêm quyền lực và ngược lại đứa bị giám sát sẽ có cảm giác yếm thế, lệ thuộc. Tất nhiên chữ “nếu” chỉ là hãn hữu, nhưng dù 1% chúng tôi cũng không cho phép xảy ra. Tôi nhận thêm lương giáo viên chủ nhiệm để chịu toàn bộ trách nhiệm về hoạt động của học sinh trong thời gian học tại trường. Trong lớp, mọi em đều được cô giáo phân công trách nhiệm với lớp như nhau”.

Rồi bà giáo hơi mỉm cười, hỏi: “Theo ông, khi các vị phụ huynh đều đóng phần thuế học cho con bằng nhau, ông có chấp nhận khi con ông bạn hàng xóm tự nhiên lại là “trưởng" của con mình không? Tất cả các vị phụ huynh của chúng tôi đều không chấp nhận, họ đòi hỏi sự công bằng. Mới vào lớp 1, lớp 2 mà đã có đứa được là “sỹ quan”, đứa là “lính” ư? Xin ông nhớ rằng, dù có tạo ra được một thủ lĩnh thì chúng ta đã đồng thời tạo ra một loạt những đứa nhút nhát và a dua, phụ thuộc thủ lĩnh. Đấy là chưa kể đứa trẻ - được tin cậy kia có nguy cơ bị nhiễm thêm thói xấu: nhòm ngó, mách lẻo, chỉ điểm... Giai đoạn đầu giáo dục cấp một, giúp hình thành chứ không nên định hình tính cách của trẻ.

R.Lipka liếc nhìn đồng hồ: “Giải đáp câu hỏi như vậy có đúng ý ông?”.

Tôi thành thật trả lời rằng rất muốn được nghe bà nói tiếp. Bà cười hiền hậu: “Tất nhiên, đề tài này phải có kết luận! Ông nên biết, khi làm đơn xin tiếp tục nghề dạy tiểu học, tôi đã bảo vệ chính đề tài này tại Hội đồng Phổ thông trung học. Tôi hiểu ngay câu hỏi của ông, vì chính chúng tôi cũng đã qua thời kỳ chuyển hóa Đông - Tây về giáo dục!”.
*
Từ năm lớp 5, trách nhiệm của giáo viên chủ nhiệm với lớp vẫn nặng nề như thế. Nhưng do học sinh đã lớn lên, cứng cáp hơn, nề nếp sinh hoạt, tư duy đa dạng nên trong tổ chức của lớp có thêm một chức danh là Klassensprecher. (Xin dịch là “Phát ngôn viên của lớp”).

Vì là chức danh nên nhất định Klassensprecher phải do lớp bầu với đa số tín nhiệm (không cần sự có mặt của các thầy cô).

Mọi học sinh trong lớp đều có quyền tự ứng cử họặc vận động bè bạn bỏ phiếu cho mình. Klassensprecher là cầu nối chỉ truyền đạt những thông tin được các bạn nhờ chuyển đến thầy cô hoặc ngược lại, không được truyền những thông tin cá nhân không được nhờ. (Nếu vi phạm bị coi là mách lẻo hoặc xâm phạm đời tư!).

Đề tài “lớp trưởng” tưởng chỉ là một bài học có tính giáo dục, làm thay đổi tư duy bảo thủ của một nhà giáo cổ hủ, giáo điều như tôi.

Không ngờ, 5 năm sau, khi Phương Hiền vào học lớp 7, tôi lại được chứng kiến sự dân chủ, công bằng và rất giáo dục trong môi trường đào tạo của con mình qua đề tài đó.

Đây là cảm xúc chính để tôi kể lại câu chuyện cho bạn đọc hôm nay.

Học kỳ hai của lớp 7B trường trung học chuyên Charles-Darwin-Oberschule (Gymnasium), quận Trung tâm - Berlin.

Chiều nay, Phương Hiền tỏ ra đăm chiêu, ngồi cắm cúi viết. Thấy con bức xúc, tôi hỏi thì được biết: Jonoar phát ngôn viên lớp 7B phải theo mẹ hồi hương về Cu-ba nên lớp cần bầu một người thay thế. Đã có ứng viên là Magir - một bạn gái da màu gốc Phi. Magir thành thạo tiếng Pháp - môn ngoại ngữ thứ hai mà nhiều bạn học còn yếu. Magir có năng khiếu bẩm sinh về hoạt động thể dục thể thao. Lời cam kết trước các bạn khi đề nghị bỏ phiếu cho mình của Magir là "Tôi sẽ liên hệ để có sự giúp đỡ của cô giáo dạy tiếng Pháp. Mỗi tuần lớp sẽ có một buổi hội thoại chủ đề Pháp ngữ tại Thư viện quận Trung tâm. Năm nay, trong tuần ngoại khóa, nếu các bạn ở lớp đồng tình, được cô chủ nhiệm chấp nhận, lớp sẽ chọn Paris là địa điểm đi tham quan dã ngoại giáo dục. Tôi xin chuẩn bị đề cương tham quan bằng tiếng Pháp và in gửi trước cho các bạn. Bản thân tôi cam kết sẽ hợp tác với các bạn trong lớp, nâng điểm tóan lên 2,5 để điểm trung bình các môn của tôi trong năm là 2,5. Ngoài ra, về thể dục thể thao, tất nhiên học kỳ này, lớp ta phải có một tờ thông báo nóng hổi WM 2006 tại Đức".

Đọc tờ rơi cam kết của ứng viên, tôi hỏi con gái:

- Magir như vậy, Phương Hiền sẽ thế nào?

- Con thích được thử sức. Trường con chưa có bạn người Việt nào nhận chức danh này. Nhiều bạn trong lớp đề cử con. Chúng nó bảo con cần viết Rede Wahl versprechen (lời cam kết của ứng viên chức danh phát ngôn viên).

- Tự con đánh giá về mình thế nào?

- Con tự tin. Con có học lực tốt nên có thể giúp đỡ được nhiều bạn về môn Toán, Đức văn, Điạ lý, Anh văn.

Còn môn lịch sử, con có thể có thêm sự giúp đỡ của bố để giúp lại các bạn.

- Hoạt động ngoại khóa?

- Tất nhiên chọn Paris làm tuần tham quan giáo dục là tuyệt vời. Chính Magir có thể cộng tác với con và các bạn trong nhóm Tây Âu học. Có hai ngày cắm trại dã ngoại, cô giáo rất ủng hộ việc đi chơi mỏ muối Eisenach và thăm nơi Hitler đã cất giấu hàng vạn bức tranh quý của các bảo tàng chúng cướp được trong chiến tranh.

Ngập ngừng một chút, Phương Hiền thổ lộ thêm một “chi tiết tranh cử” làm tôi bật cười: “Bố ạ, cả lớp con bỏ phiếu kín về món ăn khoái khẩu nhất - 83% phiếu kín khi mở ra ghi là “PHO”. Các bạn sẽ góp tiền, nhờ bố giúp con, nói chú Hoàng chuẩn bị trước, một hai lần vào thứ 7 nào đấy, cả lớp đến ăn. Sẽ rất vui phải không bố?

Chuyện “lớp trưởng” đã đến đoạn kết. Hình ảnh các ứng viên tổng thống Mỹ dốc hết trí tuệ (kéo theo cả vợ con) để thu phục nhân tâm cử tri Mỹ trong các chiến dịch tranh cử cam go, công bằng cứ hiện lên trong óc tôi.

Phải chăng chính nền giáo dục của họ ngay từ lớp 1, lớp 2 đã làm lớn dần lên những Merkel, Obama, Bush, Clinton, Schröder... cho đất nước? Lớp 7B của con gái tôi, liệu mai này có ra đời những thủ lĩnh chân chính từ Klassenspecher?
*
Cháu gái Thanh Hòa kể cả mẫu giáo - đến nay đã 11 năm làm lớp trưởng. Tôi thầm hỏi tương lai của “lớp trưởng chuyên nghiệp” sẽ ra sao? Có “nghề lớp trưởng” rồi, sẽ giúp cho cháu gái tôi có được lợi thế gì khi các kỳ thi sắp tới?!

Trần Đình Ngân
(Đức)
Theo báo Dân Trí 



Chủ Nhật, 7 tháng 7, 2013

Chơi với con - 21 tháng rưỡi

2 tuần rồi Vi của mẹ chơi 1 số trò sau:

1. Chơi bột:
Hồi đó mẹ hay mua play doh làm sẵn cho Vi chơi, nhưng chơi 1 thời gian thì các màu trộn lẫn vào nhau trông hơi dơ, mà màu cũng hay dính ra tay làm mẹ không yên tâm lắm với chất lượng sản phẩm. Rồi mẹ nghĩ ra việc làm play doh cho con từ bột mì, chỉ vài phút thôi là có ngay 1 tảng play doh cho Vi chơi trong mấy ngày, nếu thích có màu thì mẹ cho màu thực phẩm, chơi vài bữa sợ không tốt thì thay cái mới. 1 túi bột mì 1 kg làm được rất nhiều lần, mẹ đã làm 3,4 lần mà chỉ mới hết 1/3 bịch thôi.

Đây là bột khô, trong giai đoạn chuẩn bị làm play doh, Vi cũng chơi, tham gia trộn bột cùng mẹ:


Sau khi có play doh bột mì rồi thì Vi bắt đầu:

Cán bột


Tạo hình từ khuôn:


Sau khi chơi bột trắng chán thì mẹ trộn gạo màu vào cho Vi chơi:


Dụng cụ đây:


Mẹ cũng tham gia và có sản phẩm là 1 con cừu, 1 con hà mã và 1 ly kem :D



2. Chơi nước:

Mẹ kết hợp thả mấy chữ cái vào chậu nước cho Vi vớt :D



Với hoài chán thì Vi chuyển sang trò thứ 3

3. Tưới cây:


4. Matching đồ vật và hình viền ngoài:


Lần vừa rồi mẹ dùng 6 hình, chỉ vài lần là Vi làm đúng hết. Mẹ đang tìm 1 số đồ vật để tăng số lượng lên 12 cái/lần.

5. Cắm hoa:

Trò này chơi rồi nên không xa lạ gì nữa, vặt hoa te tua tơi tả.


6. Tô màu nước:

Lần đầu tiên mẹ giới thiệu màu nước cho Vi, Vi hơi ngạc nhiên nhưng cũng chơi được khá lâu.



7. Tô màu bằng miếng rửa chén:


8. Matching hình và chữ:


Hôm đầu mẹ cho Vi chơi với mấy con thú, vừa chơi vừa đọc tên cho Vi nghe. Sang hôm thứ 2 thì mới cho Vi matching thế này, nhưng Vi cũng không khoái đâu, flash card cũng không khoái. Nên chơi 1 tí rồi thôi. Mẹ đã mua thêm bộ động vật dưới biển, côn trùng ... để dành chơi từ từ, sau đó sẽ nghĩ thêm trò khác liên quan cho Vi chơi.

2 tuần rồi còn đặc biệt là Vi đã chính thức ngủ riêng, con gái ngủ ngoan, thích ứng tốt, sáng dậy không thấy mẹ không hoảng loạn, ra đứng ngay cửa gọi mẹ thôi. Buổi tối trước khi đi ngủ thì hôn tạm biệt ba, chúc ba ngủ ngon rồi ôm gối ôm đi về phòng mình. Lên giường lấy truyện cho mẹ đọc, sau đó mẹ tắt đèn, mở nhạc và Vi ôm gối ngủ. Thiệt là dễ thương gì đâu! Nhưng Vi chỉ thích có 1 quyển truyện, đã bắt mẹ đọc 1 tuần rồi:


Con gái chuẩn bị bước sang nửa sau của tháng thứ 22. Vi đã bắt đầu hứng thú với việc đọc sách, tập trung nghe mẹ kể và biết đòi mẹ đọc sách cho nghe. Bởi thế, mẹ đã mua rất nhiều sách để phục vụ cho con gái.

Hôn con.

Thứ Hai, 1 tháng 7, 2013

Làm gì khi bé mè nheo

TRƯỜNG HỢP THƯỜNG GẶP:
Con: Con muốn kẹo! (gào lên)
Bố mẹ: Không, chúng ta đi thôi.
Con: Nhưng con muốn kẹo (khóc)
Bố mẹ: Thôi nào, không kẹo kiếc gì. Đặt nó xuống. (mức độ cáu tăng lên)Con: Con muốn kẹo, con muốn kẹo!
Bố mẹ: Chúng ta cần về nhà ngay bây giờ. Nào, đi thôi.
Con: Nhưng con muốn kẹo này cơ. (giậm chân xuống đất)
Bố mẹ: Được rồi, được rồi, mẹ sẽ mua. (rất khó chịu)

CÁCH NÊN LÀM:
Con: Con muốn kẹo!
Bố mẹ: TẠI SAO CON MUỐN MUA KẸO?(giọng bình tĩnh)
Con: Vì con thích ăn kẹo
Bố mẹ: TẠI SAO CON THÍCH ĂN KẸO (vẫn điềm tĩnh) 
Con: Con muốn kẹo! Con muốn kẹo cơ!
Bố mẹ: MẸ KHÔNG HỎI CON MUỐN GÌ. MẸ HỎI "TẠI SAO CON THÍCH ĂN KẸO" (vẫn điềm tĩnh)
Con: Nhưng con muốn kẹo này cơ. (giậm chân xuống đất)
Bố mẹ: MÌNH CHỈ MUA KẸO KHI CON CÓ LÝ DO CHÍNH ĐÁNG THÔI NHÉ "TẠI SAO CON THÍCH ĂN KẸO" (vẫn điềm tĩnh)
Con: Vì kẹo ngọt, thơm, ngon
Bố mẹ: CON TRẢ LỜI HAY LẮM, NHƯNG KẸO SẼ LÀM CON BỊ SÂU RĂNG & BÉO PHÌ. CON CÓ MUỐN SÂU RĂNG & BÉO PHÌ KHÔNG?
Con: Nhưng con muốn kẹo này cơ. (giậm chân xuống đất)
Bố mẹ: KHI NÀO GIẬM CHÂN XONG THÌ TRẢ LỜI CHO MẸ
Con: Con không muốn sâu răng & béo phì nhưng con thích ăn kẹo
Bố mẹ: MẸ CŨNG KHÔNG MUỐN CON SÂU RĂNG & BÉO PHÌ, VÌ VẬY MÌNH SẼ KHÔNG MUA KẸO CON Ạ.
Con: Nhưng con muốn kẹo này cơ. (giậm chân xuống đất)
Bố mẹ: MÌNH KHÔNG MUA KẸO CON Ạ, KẸO SẼ LÀM MÌNH BÉO PHÌ VÀ SÂU RĂNG. CON CỨ KHÓC CHO THÕA MÃN, MẸ THÔNG CẢM & YÊU CON LẮM, CỤC CƯNG Ạ. (Cười và nhìn con, vuốt ve một cách thông cảm cho nỗi thất vọng không được ăn kẹo VÌ ĐÓ LÀ NỖI THẤT VỌNG ĐÁNG THÔNG CẢM MẶC DÙ HÀNH ĐỘNG ĐÒI HỎI LÀ KHÔNG ĐÚNG)

Và cuối cùng, trẻ phải từ bỏ. Qua thời gian, kỹ thuật này sẽ ngày càng trở nên đơn giản và hiệu quả hơn. 

Kỹ thuật nhất quán hiệu quả vì trẻ sẽ chán nản và học được rằng rên rỉ và mè nheo không giúp chúng có được điều mình muốn.

21 tháng tuổi

Tháng này mẹ viết hơi trễ, con gái đã qua mốc 21 tháng được 1 tuần rồi. Cân nặng vẫn là 15 kg, chiều cao đo trong bệnh viện là 89 cm (mặc dù 2 tháng trước đã 90 cm rồi), đo ở nhà là 91 cm.

Ăn uống: không tiến triển là mấy. Buổi tối ở nhà đa phần con gái tự ăn, mẹ cho vào chén, Vi tự xúc ăn, tự húp canh, đến gần cuối buổi thì mẹ đút thêm 1 ít. Tính ra thì cũng chẳng ăn được nhiều đâu nhưng mẹ vẫn tiếp tục như thế, Vi vừa tự xúc ăn lại không bị cảm giác ép ăn, được ăn những gì mình thích và dừng khi mình muốn. Trong các món mặn thì Vi thích ăn tôm nhất, kể cả tôm khô cũng thích. Rau thì vẫn chưa ăn nhiều, toàn nhè ra. Lúc nào không thích ăn nữa thì toàn nhả ngược lại vào chén, mẹ dẹp luôn, khỏi ăn. Trái cây thì Vi thích ăn xoài, chôm chôm, măng cụt. Ngày trước thì ăn chuối cũng khá nhưng dạo này chắc buổi trưa ăn chuối ở trường rồi nên chiều không hào hứng với chuối nữa. Vi uống sữa chủ yếu vẫn bằng bình, 1,2 lần trong ngày mẹ cho uống bằng ly, ở trường cô cũng đang chuyển qua đút bằng muỗng. Thỉnh thoảng vẫn tự cầm ly uống nước rất giỏi, không đổ ra ngoài tí nào. Bây giờ 1 ngày Vi uống 1/3 sữa tươi và 2/3 sữa bột.

Sức khỏe: Tháng rồi khá tốt, có 1 đợt sổ mũi nhẹ nhưng uống si rô vài lần là hết. Cân nặng vẫn giữ vững 15 kg, có lúc lên 15,2 kg nữa chứ.

Ngủ: ở trường là ngủ trưa vô tư, những hôm ở nhà với mẹ cũng dỗ 1 tí là Vi ngủ. Buổi tối dạo này mẹ cho uống sữa, xong lên giường đọc truyện, rồi gãi lưng tí là Vi cũng đi vào giấc ngủ dễ dàng. Vi chính thức ngủ riêng.

Ngôn ngữ: Vi bắt chước khá nhanh các từ mọi người xung quanh nói, từ 4-5 tiếng đã nói nhiều hơn "ba mẹ ngủ, dậy chơi (với ) con này", "ba đâu rồi ba" ... Có thể hát nguyên câu "tóc bà trắng, là trắng như mây", "bí bo em tập lái ô tô". Các bài hát "bà ơi bà", "bà còng", "ví dầu cầu ván đóng đinh" là Vi biết hát, mẹ hát chừa lại 1,2 chữ cuối là Vi nói được ngay. Vi biết "dạ" khi có ai kêu, đôi khi biết cảm ơn, xin lỗi.

Tính cách: Vi tỏ ra độc lập hơn, thích tự làm, tự mặc quần áo, mẹ mặc cho thì Vi khóc lóc dữ dội rồi bảo "mẹ chọc Vi". Thích tự xúc ăn, xem mẹ chơi trò gì rồi bảo "Vi làm". Nhiều lúc cũng làm nũng, đòi ẵm. Nhìn chung thì Vi lành tính, không quá bướng, ăn vạ, mè nheo.

Trò chơi yêu thích: dạo này Vi chơi nhiều trò lắm: có vẻ thích chơi nước. Ngoài ra thì có chơi nui, chơi gạo, chơi bột, chơi cát. Thích đi công viên, đi bơi.

Và cuối cùng là hình nàng nhõng nhẽo với ba nàng: