Thứ Sáu, 31 tháng 5, 2013

20 tháng tuổi

20 tháng tuổi, trông Vi lớn hơn nhiều so với tuổi của mình, cả về cân nặng và chiều cao (15 kg, 90 cm). Các mặt khác của Vi như sau:

Ăn uống:

Theo các cô thì ở trường Vi ăn uống tốt, ăn 1 bữa được 1 chén cháo. Chiều về nhà thì ăn linh tinh, đến tối ngồi cùng bàn với gia đình thì có hôm mẹ đút Vi ăn cũng khá, dạo gần đây thì Vi thích tự xúc, mẹ cũng để Vi xúc luôn, nên chơi nhiều hơn ăn :D Cũng không sao cả, chơi thêm 1 thời gian nữa là Vi sẽ cầm muỗng thành thạo ngay.

Sữa: Vi uống 3 cữ/ngày, trước khi ngủ trưa, trước khi từ trường về và trước khi đi ngủ. Vi tự biết cầm bình sữa, biết lấy gối ôm ra ghế ngồi uống sữa, biết đòi pha sữa nữa. Sữa thì bao nhiêu cũng không từ chối. Tháng rồi Vi cũng tập uống sữa tươi, có lần cũng uống hết bình 110 ml, bình 180 ml thì thường uống 2/3 rồi đưa lại mẹ. Mẹ sẽ thay dần sữa công thức bằng sữa tươi.

Vi có thể tự xúc ăn tàm tạm, tự cầm chén uống canh, cầm bình sữa thì vô tư, cầm hộp sữa thì mẹ còn hơi run 1 tí, cầm ly uống nước thì hên xui. Nhưng nhìn chung thì mẹ thấy kết quả cũng tương đối khả quan.

Sức khỏe:

Tháng rồi Vi có 1 đợt bệnh ho, sổ mũi khá lâu. Uống thuốc mãi không khỏi, còn phải đi chụp phổi rồi xông họng 5-6 lần. Được cái Vi vẫn chơi tốt, mấy hôm đầu mẹ vẫn cho đi học, nhưng mãi không khỏi nên mẹ cho nghỉ ở nhà, ở nhà 3 hôm mà Vi đã lên lại 400 gr, 1 ngày đi làm về thấy mặt tròn ra hẳn, lại múp míp như trước. Tuy bệnh lâu nhưng Vi vẫn chơi vui vẻ, và cũng không phải uống kháng sinh gì cả. Nhưng cảm giác tối nào cũng nghe Vi ho sù sụ thiệt là không thoải mái tí nào!

Ngủ:

Buổi trưa ở trường Vi đã ngủ được nhiều hơn, gần như trọn giờ, đến khi cô kêu mới dậy. Buổi tối tầm 9h hơn là Vi lên giường, mẹ tắt đèn mở nhạc, Vi nằm 1 tí là sẽ tự ngủ. Đến tầm 11 - 12h khuya thì hay vặn vẹo lè nhè không rõ tại sao. Trong tháng tới mẹ dự định cho Vi ra ngủ riêng. Sẽ dọn dẹp phòng dần dần và cho Vi làm quen với không gian mới.

Ngôn ngữ:

Vi đã nói được rất nhiều từ 2 chữ trong đó có 1 số từ mới như "chôm chôm", "sầu riêng", "lên lầu", "chơi sét", từ 3-4 chữ cũng đã kha khá như "cô Ngà đâu rồi", "mẹ đâu rồi", "ba mẹ ơi", "mặc quần vào", "cái gì dzậy" ... Lâu lâu thì có 1 câu dài dài như "công viên đâu rồi ta?". Nhiều ý muốn của mình Vi có thể diễn tả bằng ngôn ngữ, khi nào không biết hoặc mẹ không hiểu thì Vi nắm tay mẹ kéo ra chỉ tận việc.

Hôm rồi mẹ flash card cho Vi xem nhưng tốc độ chậm vì giấy mềm, mẹ đọc tới đâu Vi đọc theo tới đó: "cá hồng, cá chim, cá trê, cá bống, cá trắm ..." Nghe thiệt là dễ thương gì đâu.

Vi đã biết con mèo kêu meo meo, con chó kêu gâu gâu và con gà kêu ò ó o.

Các động tác chào, tạm biệt, mi gió, hôn làm rất thuần thục.

Tính cách:

Theo mẹ (cũng như các cô khác), Vi khá lành tính, không quá bướng hay mè nheo hay ăn vạ. Khi đòi gì không được Vi cũng khóc nhưng mẹ lơ Vi luôn, hoặc tìm cái khác thu hút sự chú ý của Vi. Có lẽ cũng nhờ vậy mà Vi không ăn vạ mẹ nhiều.

Trò chơi yêu thích:

Chắc là vẽ quá! Dạo này Vi rất thích vẽ, tối lên lầu là kêu mẹ ra bảng vẽ, đòi vẽ cái này cái khác, có lúc mẹ vẽ xích đu Vi cũng đòi "ngồi, ngồi". Mẹ chợt nhận ra mẹ thật thiếu sự sáng tạo, không nghĩ ra gì mới để vẽ cho con cũng như không biết vẽ thế nào. Vậy mới thấy sự sáng tạo nó quan trọng ra sao.

Thứ Hai, 27 tháng 5, 2013

Đi chơi KKplayground

Sau khi ngẫm nghĩ, các địa điểm gần nhà Vi đã đi hết rồi, các playground trong siêu thị cũng chỉ quanh quẩn ở nhà banh, cầu tuột, chơi hoài cũng có vẻ hơi chán rồi. Tình cờ biết có 1 cái playground mới mở, lại có yếu tố "nước ngoài", mẹ quyết định cho Vi đi chơi mặc dù đường đi xa lắc.

Nhưng công nhận playground phải như thế này các bé mới thích, đến người lớn như mẹ nhìn khu vui chơi ngoài trời cũng thích, rồi nhìn cái phòng đồ chơi mà cái nào cũng nhỏ nhỏ xinh xinh yêu không chịu được. Đồ chơi lại mới nữa nên cứ muốn nâng niu từng món. Lại còn gặp các em bé Tây xinh thiệt xinh, mắt xanh to tròn.


Lúc mới tới, Vi có vẻ ngơ ngác, không nhiệt tình chơi gì cả. Cái túi đựng rau quả kia là mẹ lấy ra cho Vi chơi đấy. Vi tập cắt nhưng đang cầm dao ngược hehe


Vi nấu bếp này, bên tay trái là máy pha cà phê, nướng bánh mì, pha trà, ở giữa là bếp, bên tay phải là vòi rửa, dao thớt. Nhìn cái bộ bếp này đến mẹ cũng phải thích nấu ăn nữa là :D


Vi có vẻ hứng thú với bộ đồ chơi quét dọn nhà, cầm chổi đi vòng vòng rồi lại ngồi quét quét, hốt rác rồi đổ.


Trò câu nam châm này Vi đã chơi nhiều rồi nên cũng khá thành thạo, nhưng chỉ câu vài con là chán.


Trò dùng búa gõ này mới với Vi, thấy mẹ chơi làm mẫu xong là Vi gõ rầm rầm liền, rất hứng thú. Ngoài ra còn rất nhiều đồ chơi gỗ khác, mới lạ nữa nhưng Vi lại chẳng có vẻ quan tâm gì cả.

Ở đó Vi cũng thích trò cho xe hơi lên chiếc xe to, cứ cho xe lên xuống rồi cười khúc khích. Ở trong nhà chán, mẹ cho Vi xuống phòng chơi Lego mà Vi không chịu vào, hổng hiểu tại sao.



Trò chơi cát này Vi rất thích nên mẹ cho 2 tấm hình luôn. Vi chơi 1 mình cũng phải 15 phút ấy, mẹ rảnh rỗi ngồi chơi lướt facebook hehe.


Mẹ dụ Vi chơi cầu tuột vì nhớ đây là trò yêu thích của Vi, vậy mà Vi trượt 1 cái rồi lại quay về chơi cát. Mãi sau mới chịu trượt thêm 2,3 lần nữa trước khi về.

Cả 2 mẹ con đều có 1 ngày chơi vui ơi là vui, lần tới mình sẽ đi buổi chiều, để Vi ngoài chơi các trò trên còn được bơi lội nữa. Thích chỗ này nhưng đi hao quá Vi ạ! :D

Chủ Nhật, 26 tháng 5, 2013

Đồ chơi cho trẻ - Open ended toy

Trong bài review sách vừa rồi mình có nhắc đến ý "đồ chơi cho trẻ đơn giản nhất có thể để trẻ được phát huy sự sáng tạo và trí tưởng tượng của mình". Trong quá trình đọc các website, blog ... mình cũng đọc được về "open ended toy". Mình không biết dịch sao cả, chỉ hiểu là open ended toy là đồ chơi có thể chơi bằng nhiều cách. Vậy thì đồ chơi chỉ có thể chơi bằng 1 cách là những đồ chơi như bấm nút có tiếng kêu, bấm nút có đèn sáng ... trẻ chỉ có 1 cách chơi là bấm nút, nghe tiếng kêu hồi lâu sẽ chán, nhìn ánh sáng màu này 1 lúc cũng chán, thế là phụ huynh lại cho trẻ 1 cái khác cũng có tiếng kêu, đèn sáng. Như vậy, cho dù có thay đổi đồ chơi thì trẻ cũng chỉ biết chơi có 1 kiểu: bấm nút.

Vậy còn open ended toy? Trẻ buộc phải suy nghĩ cách chơi, trẻ muốn có cái nhà, trẻ phải tự tạo lấy cái nhà, muốn làm cái xe, trẻ cũng phải nghĩ cách để làm ra cái xe, muốn trở thành công chúa phải làm áo đầm đẹp, vương miện ...  Đồng thời, 1 thùng carton (chẳng hạn) hôm nay có thể là ngôi nhà, mai là cái thuyền, mốt là đường hầm xuyên quốc gia (:D). Như vậy, với open ended toy trẻ mới phát huy được khả năng sáng tạo và trí tưởng tượng của mình qua những open ended play. Dưới đây là 14 loại open ended toy dễ tìm:

1. Cát: Trẻ có thể xây nhà, làm mô hình, xúc, đổ, ray ... hoặc giấu đồ chơi nhỏ trong cát cho trẻ tìm ... Sáng nay Vi đã chơi say sưa 15 phút bên khay cát.

2. Gốc cây/thanh gỗ dài: có thể làm bàn tiệc, đoàn tàu, cầu bắt qua sông ... trẻ đi trên thanh gỗ thể hiện sự khéo léo ...

3. Khối gỗ nhỏ (wooden blocks): xếp hình, xây nhà ...

4. Duplo (Lego/ Mega blocks)

5. Nước: trẻ có thể làm hồ cá, bể tắm theo cách riêng của mình, làm sông, biển, hồ ...

6. Màu nước/phấn/Bút lông ...

7. Quần áo/vải/khăn ...: trẻ có thể dùng làm quần áo, nón, khăn choàng và hóa thân vào các nhân vật trẻ thích

8. Sensory tub (cái này mình không dịch ra tiếng Việt để giữ nguyên ý nghĩa): tạo nhiều sensory tub khác nhau để trẻ tự khám phá, nhận ra sự khác biệt giữa các vật trong đó về màu sắc, chất liệu, hình dáng ...

8. Rổ gồm các vật có hình dáng và màu sắc khác nhau: gồm các vật cùng 1 loại nhưng có màu sắc hoặc hình dáng khác nhau (ví dụ: hạt để xỏ dây có màu sắc khác nhau ...)

9. Chén và khay bằng gỗ: trẻ có thể làm bếp, tổ chức tiệc, múc nước, làm bánh ...

10. Các vật liệu như khăn vải/trải bàn dùng làm nền, dòng sông, bãi cỏ trong các trò chơi.

11. Thùng carton có hình dáng và kích thước khác nhau

12. Dụng cụ trong nhà: hướng dẫn trẻ sử dụng, trẻ sẽ nghĩ ra nhiều trò chơi và cảm thấy vui vì mình đã tham gia công việc trong nhà (cái này thì mình nghĩ nên tránh những vật nguy hiểm như dao, kéo, cưa ... khi trẻ còn nhỏ).

13. Đất sét

14. Vật liệu tự nhiên như đá, vỏ sò, lá cây, hoa, cành cây ...

(Bài nguyên gốc ở link sau: http://mumoftwinsatoddlerandateenager.blogspot.com/2012/11/14-open-ended-materials-for-toddler-play.html).

Thứ Ba, 21 tháng 5, 2013

Chơi với con - 20 tháng

Dạo này lười nên 2 tháng mới viết 1 bài "Chơi với con" hehe.

1. Đất sét:
Dạo này Vi ít chơi trò này rồi, mặc dù khi chơi thì vẫn ịn ịn khuôn nhưng không hào hứng như những ngày đầu nữa nên mẹ cũng tạm gác lại 1 thời gian.

2. Tô màu:
Trò này Vi cũng chán luôn, đưa màu sáp không thèm tô vẽ nữa. Thay vào đó là bút lông, bút mực, Vi quẹt đầy nhà, từ trên giấy, ra bàn, trên giường, dưới nền nhà, trên tường ... đủ cả. Có hôm lên cả trên mặt. Mẹ cũng cho Vi chơi finger paint, Vi có vẻ vẫn còn hơi ngơ ngác chứ chưa chơi nhiệt tình hết mình.



3. Mega blocks:
Cái này thì Vi có hứng thú hơn trước. Vi biết tìm cách ráp lại, mẹ vừa cho Vi chơi vừa giới thiệu màu sắc theo màu của blocks, vừa giới thiệu số đếm khi mẹ đếm các blocks đã ráp, có lúc thì phân loại theo màu sắc blocks cho Vi xem.

4. Wooden blocks:
Cái này Vi cũng thích, hồi trước Vi chả chịu chơi đâu nhưng gần đây thấy mẹ xếp Vi cũng xem rồi làm theo, cũng thử xếp lên xuống, rồi làm đổ phần mẹ xếp. Có khi ngồi chơi được 10 phút ấy.



5. 9-piece block:
Cái này Vi cũng chịu chơi hơn hẳn so với trước kia. Biết tự xếp chồng lên, để thêm đồ đạc mà không cần mẹ làm mẫu.




6. Spooning:
Đây là dụng cụ mẹ chuẩn bị cho Vi.


Mẹ chỉ làm mẫu 1 lần, sau đó Vi tự xúc từ chén qua ly, từ chén ra mâm, rồi từ chén/ly qua khay đá. Rồi Vi không xúc nữa mà đổ từ đây sang kia, từ kia sang đó :D Rồi Vi dùng tay bốc từ đó qua đây. Nói chung là Vi chơi đủ kiểu hết mà ngồi say sưa chơi hơn 15 phút ấy, ngoài sự mong đợi của mẹ. Chơi trò này cũng củng cố 2 từ "sao", "tim" mà con đã biết.





7. Vẽ phấn:
Cái này mẹ sắm cho Vi nè. Lúc đầu thì mẹ vẽ cho Vi xem, vẽ gì mẹ nói đó. Sau vài bữa thì Vi đòi mẹ "vẽ vẽ", có lúc còn kéo tay mẹ ra bảng nữa. Dạo gần đây thì Vi tự cầm phấn vẽ tự do luôn. Vi thích nhất trò mẹ để tay mẹ lên bảng và viền phần theo bàn tay mẹ.



(còn tiếp)

Sách: Toward Creativity and Humanity

Mình đọc xong cuốn sách này và cảm thấy cần phải review 1 tí để khi cần là có ngay cái để xem. Phải nói thêm 1 chút là tại sao mình đọc cuốn này.

Khi mình đi tìm nhà trẻ cho Vi, mình tình cờ biết đến phương pháp Steiner và ngôi trường mà giờ Vi đang học. Hôm đó có vẻ cũng may rủi thế nào ấy, mình xin nghỉ nửa buổi để đi xem 3,4 trường nhưng trường thì mình tìm không ra, trường thì đóng cửa, thế là mình vào Thỏ trắng luôn, mặc dù dự định của mình là tìm hiểu thêm về phương pháp đã rồi mới tới. Mình gặp cô hiệu phó, rồi sau đó về nhà suy nghĩ, băn khoăn không biết nên lựa cái nào, rồi mình gặp cô hiệu trưởng và quyết định luôn. Từ đó mình có hứng thú với phương pháp Steiner và bắt đầu tìm hiểu thêm về phương pháp này. May mắn là mình có email với 1 phụ huynh ở trường này, và được bạn ấy cho mượn nhiều sách để đọc. Cuốn mà mình sắp review đây là 1 trong số đó, và còn là cuốn mỏng nhất và dễ đọc nhất :D

Theo phương pháp Steiner, sự phát triển của trẻ được chia theo các giai đoạn 7 năm, trong đó, 7 năm đầu được xem là nền tảng quan trọng, giống như gốc rễ của cây, giúp trẻ xây dựng ý chí, cơ thể và tâm hồn đều mạnh khỏe giúp trẻ có cơ sở tốt để phát triển về sau. Trong 7 năm đầu này, trẻ học hỏi chủ yếu qua sự bắt chước: trẻ xem và muốn làm cùng người lớn, trẻ bắt chước những việc người lớn làm trong các trò chơi của trẻ, không chỉ bắt chước hành động, trẻ còn bắt chước cả thái độ của người lớn khi thực hiện hành động. Khả năng bắt chước của trẻ trong giai đoạn này là cực kỳ to lớn. Do đó, người lớn phải tự thông suốt rằng mình là hình mẫu của trẻ, vì vậy, cần để ý đến hành động, thái độ của mình.

Trẻ 2 tuổi có đầu óc thực tế, không có khả năng tưởng tượng. Đến khoảng 3 tuổi, khả năng này cùng với khả năng suy nghĩ bắt đầu xuất hiện ở trẻ. Trẻ tầm 3 tuổi rưỡi rất năng động và hăng say trong các trò chơi theo tưởng tượng (fantasy play). Tuy nhiên, trẻ không chơi 1 trò lâu mà thay đổi liên tục. Đến 4 tuổi, trẻ chưa chắc về trò mình muốn chơi, trẻ sẽ quan sát những vật dụng có sẵn để tìm ý tưởng và đưa các vật dụng vào trò chơi, 1 trò chơi có thể kéo dài 15 - 20 phút. Trẻ 5 tuổi lại hoàn toàn khác, trẻ có sẵn ý tưởng trong đầu và có thể chơi 1 trò trong 45 phút. Trẻ 6 tuổi, bằng trí tưởng tượng của mình, có khả năng xây dựng cả 1 câu chuyện dài trong đầu.

Theo Steiner, creative và imagination là 2 điều cực kỳ quan trọng, vì làm theo khuôn mẫu là điều rất dễ còn làm với sự sáng tạo là điều khó hơn nhiều. Hơn nữa, thế giới phát triển là do sự sáng tạo và trí tưởng tượng, nhờ đó con người mới có sự phát triển không ngừng. Khả năng tưởng tượng và sáng tạo lại phát triển mạnh mẽ nhất trong 7 năm đầu đời. Bên cạnh đó, việc chơi đùa là cực kỳ quan trọng đối với trẻ. Trẻ phát triển thông qua chơi đùa, chơi là hoạt động nghiêm túc của trẻ, thông qua trò chơi trẻ sẽ phát triển các kỹ năng sống của mình. Vì vậy, dưới đây là các cách giúp trẻ chơi vui hơn, phát huy sự sáng tạo và tưởng tượng nhiều hơn:

1. Cho trẻ đồ chơi đơn giản nhất có thể, để trẻ phát huy khả năng của mình, trẻ sẽ phải tự tạo ra đồ chơi cho mình từ những vật đơn giản nhất. Những đồ chơi từ tự nhiên như đá, gỗ, vải ... tốt hơn là những đồ chơi từ nguồn tổng hợp. Với các đồ chơi đơn giản, trẻ sẽ rất năng động trong việc nghĩ ra cách chơi, tự tạo nên đồ chơi theo ý muốn.

2. Giảm tối đa việc xem ti vi cũng như các thiết bị nghe nhìn khác. Khi trẻ xem ti vi, trẻ tiếp thu sự tưởng tượng/sáng tạo của người khác và những điều này tác động không tốt đến khả năng sáng tạo của trẻ. Trẻ tiếp thu thụ động các thông tin đến từ bên ngoài, làm giảm khả năng tưởng tượng của trẻ cũng như giảm khả năng vui đùa của trẻ.

3. Để trẻ được thấy những sự việc thật sự (real work). Ngày nay, do sự phát triển của công nghệ và máy móc, trẻ ít khi được nhìn thấy sự việc diễn ra thế nào như may vá, nấu ăn, trồng trọt  ... những sự việc thật sự diễn ra xung quanh là nguồn ý tưởng to lớn cho các trò chơi của trẻ.

4. Tăng cường các hoạt động nghệ thuật: tô màu, ca hát, đọc thơ, sử dụng điệu bộ, cử chỉ. Ở các trường Steiner trẻ em dùng crayon từ sáp ong, hình dạng vuông cho trẻ nhỏ, crayon sáp ong sẽ ấm lên trong tay trẻ khiến trẻ cảm thấy ấm cúng, gần gũi.

5. Tạo cho trẻ sự nhịp nhàng trong hoạt động hàng ngày tại nhà trẻ và ở nhà. Ở các nhà trẻ Waldorf Steiner, 1 ngày bao gồm những hoạt động "hít vào" và "thở ra". Ngày bắt đầu bằng "thở ra" với các hoại động vui chơi trong nhà và ngoài trời, sau đó là "hít vào" khi dọn dẹp phòng và ngồi theo vòng tròn, nghe nhạc hay chơi các trò tập trung theo hướng dẫn của giáo viên. Buổi chiều trẻ lại "thở ra" với các hoạt động ngoài trời, sau đó "hít vào" khi ngồi nghe cô kể chuyện. Điều quan trọng là tạo cho trẻ một thời khóa biểu nhịp nhàng và thực hiện hàng ngày, sự nhịp nhàng trong các hoạt động "hít vào" - "thở ra"

Ở các trường Steiner, giáo viên thường kể chuyện cho trẻ nghe thay vì đọc truyện. Lý do là khi kể chuyện cho trẻ, người kể chuyện và trẻ không bị ngăn cách, cả 2 đều tham gia vào câu chuyện. Trong khi đọc truyện thì khác, trẻ sẽ chú tâm vào hình ảnh, người đọc cũng chú tâm vào trang sách và làm giảm đi sự liên kết giữa người đọc và người nghe. Cách đơn giản để kể chuyện cho trẻ là sử dụng những con rối. Và các câu chuyện được lặp lại hàng năm theo thứ tự nhất định, theo đó khi tới mùa đông trẻ sẽ biết mình sắp được nghe câu chuyện về lễ giáng sinh (chẳng hạn thế).

Tại các trường Steiner, trong 7 năm đầu đời, trẻ được dạy trên nguyên tắc "sự bắt chước" và trẻ học thông qua chơi. Việc học ngôn ngữ, đọc, viết sẽ bắt đầu muộn hơn so với các trường khác. Trẻ được giới thiệu các chữ cái khi vào lớp 1 một cách chậm rãi và khéo léo. Kể từ những năm ở nhà trẻ, trẻ sẽ được tiếp xúc với âm nhạc thường xuyên. Đến năm lớp 1, trẻ sẽ bắt đầu học chơi sáo và học đàn dây kể từ khi lớp 3. Bởi vì trẻ có học về âm nhạc sẽ tiếp thu các môn học thuật tốt hơn trẻ không học về âm nhạc.

Khi trẻ 13-14 tuổi, sự tưởng tượng của trẻ sẽ giảm dần và thay vào đó là khả năng suy nghĩ.

Thứ Năm, 2 tháng 5, 2013

1 số chuyện vui

1. Mẹ đọc báo, Vi đi qua đi lại, ngó nghiêng xem mẹ đọc gì. Tình cờ thấy hình "sô cô la" trên báo, mẹ chỉ Vi luôn.
Mẹ: Vi, sô cô la nè con.
Vi (sau khi nhìn, đi qua lại 1 chút): la, la, la
Mẹ: Vi nói gì thế? Mẹ không hiểu.
Vi: la, la, la.
Nói mãi mà mẹ không hiểu, Vi kéo tay mẹ đi xuống bếp, chỉ vào tủ lạnh đòi mở. Ừ thì mẹ mở theo ý Vi. Vi chỉ tay vào góc tủ lạnh, mẹ nhìn theo và phát hiện ra có 1 túi sô cô la ở đó. Ha ha ... Hóa ra là Vi muốn ăn sô cô la trong tủ lạnh mà nói mãi mẹ không hiểu, phải dắt vào chỉ tận nơi.

2. Vừa từ nhà bà nội về, Vi cứ đi xung quanh cái túi đựng đồ đạc, đẩy tới lui, lật qua lại.
Vi: ôm, ôm.
Ba: gì con?
Vi: ôm, ôm.
Ba vẫn không hiểu. Vi kéo tay ba tới chỗ cái túi, vừa chỉ vào túi vừa bảo "ôm, ôm". Ba mở túi cho Vi, rồi mới hiểu ý Vi là muốn lấy cái gối ôm trong túi. Nhưng vấn đề là không hiểu làm cách nào Vi biết có gối ôm trong túi nhỉ?!

3.
Bà: Ví dầu cầu ván đóng ...
Vi: đinh
Bà: Cầu tre lắt lẻo ghập ghềnh khó đi. Khó đi chị dắt em ...
Vi: đi
 Bà: Em đi trường học, chị đi trường ...
Vi: Thỏ trắng (mẹ: =)) )